Kết thúc đợt tham vấn Điều khoản IV với Việt Nam, đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm nay và 7,2% năm 2023. Như vậy, theo dự báo của IMF, vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trở lại mức trước dịch.
Kinh tế khởi sắc
Theo đoàn cán bộ IMF, các chỉ số như doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc. GDP dự báo tăng trưởng 6% trong năm nay nhờ vào quá trình bình thường hóa hoạt động kinh tế và việc triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển (PRD).
Dự báo được dựa trên giả định rằng vaccine ngừa Covid-19 vẫn hiệu quả, tình trạng gián đoạn nguồn cung thuyên giảm và nền kinh tế tiếp tục quá trình bình thường hóa.
Theo đó, các biện pháp kích thích tài chính thông qua PRD và tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ bù đắp cho sự phục hồi chậm của tiêu dùng tư nhân.
Theo đoàn cán bộ của IMF, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng ấn tượng và áp dụng những chính sách nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch.
Tuy nhiên, thị trường lao động của Việt Nam vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, sau khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và số việc làm trong độ tuổi lao động giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Đến nay, tình trạng thiếu việc làm còn ở mức cao, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.
Trong khi đó, lạm phát đã tăng lên trong thời gian qua. Nguyên nhân là giá cả hàng hóa leo thang và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Lạm phát tiêu đề năm 2022 được dự báo đạt 3,9%, trong khi lạm phát cốt lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) là 2,3%. Sang năm 2023, 2 chỉ số này lần lượt là 3,5% và 2,6%.
"Lạm phát sẽ không tăng mạnh do nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, giá thực phẩm tương đối ổn định và các biện pháp bình ổn giá", IMF nhận định.
Vẫn còn thách thức
Đoàn cán bộ hoanh nghênh PRD và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định đúng mục tiêu, chi tiêu hiệu quả và sự quyết liệt trong triển khai.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đó, sự gia tăng căng thẳng địa chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát. Nhu cầu quốc tế có khả năng đi xuống, giá hàng hóa cao hơn và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.
Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng cũng là nguy cơ lớn. Trong khi đó, việc những nền kinh tế lớn thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn dự kiến sẽ tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái, đồng thời khiến việc đưa ra các quyết định về tiền tệ trở nên phức tạp hơn.
Các rủi ro liên quan đến những khoản vay có vấn đề, lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được giám sát chặt chẽ.
Đoàn cán bộ IMF
Trong khi đó, rủi ro trong nước nằm ở các tác động tài chính vĩ mô của sự phát triển trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Giá lương thực và lạm phát cốt lõi tăng cao cũng làm gia tăng áp lực lạm phát, làm giảm sức mua thực tế của các hộ gia đình.
"Việc triển khai PRD kém hiệu quả cũng sẽ cản trở quá trình phục hồi", đoàn cán bộ cảnh báo.
IMF cho rằng chính sách tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn thận trọng với rủi ro lạm phát.
"Các rủi ro liên quan đến những khoản vay có vấn đề, lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được giám sát chặt chẽ, cũng như tăng cường những khuôn khổ an toàn vĩ mô", đoàn cán bộ bình luận.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng.
Họ đồng tình rằng cần ưu tiên giảm thiểu những khác biệt giữa kỹ năng của người lao động và yêu cầu của nhà tuyển dụng, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và đảm bảo sân chơi bình đẳng, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.