Đã từ lâu, Trung Quốc - hiện là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển - từ chối cung cấp gói cứu trợ hoặc tham gia tái cấu trúc nợ cho các con nợ với lý do chính nước này vẫn đang phát triển. Nhưng theo Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, tư duy của Bắc Kinh đang thay đổi.
"Lý do rất đơn giản, họ đang chịu thiệt hại. Không gì khiến người ta muốn tìm hiểu về tái cấu trúc nợ hơn là khi nghe thấy một con nợ nói xin lỗi, tôi không có khả năng trả nợ", bà Georgieva nói, theo Bloomberg.
Hơn 70 quốc gia thu nhập thấp đang gánh khoản nợ tổng cộng 326 tỷ USD, hơn một nửa trong số này đang gặp khó khăn trong việc trả nợ như Zambia, Ethiopia hay Ghana.
Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất. Ví dụ như tại Zambia, 75% khoản nợ nước ngoài thuộc về Trung Quốc.
Nỗ lực tái cấu trúc các khoản nợ và giải cứu các nền kinh tế rơi vào khủng hoảng từ lâu đã là chủ đề tranh cãi giữa Câu lạc bộ Paris, gồm các nước giàu có truyền thống cho vay, và các quốc gia mới nổi như Trung Quốc.
Theo IMF, Trung Quốc đã phát tín hiệu cho thấy sẵn sàng làm việc với G7 và IMF về vấn đề tái cấu trúc nợ cho các nước mất khả năng trả nợ.
Tháng trước, IMF và World Bank đã tổ chức Hội nghị bàn tròn về nợ toàn cầu để tìm giải pháp cho cách xử lý các khoản nợ giữa các nước chủ nợ. IMF đánh giá Trung Quốc đã tham gia tích cực, thậm chí đề xuất đăng cai một số cuộc họp kỹ thuật của hội nghị bàn tròn.