Thời gian gần đây, Instagram liên tục đưa ra những quyết định khiến cộng đồng mạng bức xúc. Một trong số đó là bắt chước các ứng dụng khác, gồm TikTok, Snapchat và gần đây nhất có BeReal, Vice đưa tin.
Giao diện mới của Instagram bị nhiều người dùng chán ghét. Họ thất vọng vì quá nhiều video được hiển thị trên một ứng dụng vốn ưu tiên ảnh truyền thống.
Việc này khiến Meta, công ty mẹ của Facebook, bị tấn công bởi hàng loạt thông điệp chống đối. Kylie Jenner và Kim Kardashian dẫn đầu phong trào này khi chia sẻ lại thông điệp "Make Instagram Instagram again".
Trong phát biểu ngày 26/7, Adam Mosseri, người đứng đầu nền tảng này, thừa nhận tính năng tạo clip ngắn Reels “chưa thật sự tốt” và sẽ có sự chỉnh sửa phù hợp.
Tuy nhiên, đối với những fan trung thành của phiên bản cũ, quyết định thay đổi này khá muộn màng. Nhiều nghệ sĩ, người tạo meme và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đang cân nhắc rời đi. Ngoài lý do không thích video, họ còn chán nản vì thuật toán mới làm giảm mức tương tác với người hâm mộ.
“Tôi thường đăng tải ảnh chụp màn hình tin nhắn với đối tượng hẹn hò lớn tuổi. Nội dung này khá hài hước và thu hút nhiều người. Hồi 2018, bài đăng của tôi dễ dàng có 100 lượt thích trong một phút. Vậy mà bây giờ, tôi phải vật lộn chỉ để đạt mốc 1.000”, Erika Gajda, chủ tài khoản @Swipes4Daddy, nói.
Thuận theo hoặc rời đi
Gần đây, nhiều hình ảnh của Gajda bị nền tảng gỡ bỏ vì cho rằng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Cô cũng bày tỏ sự chán chường khi chỉ được 20.000 lượt tiếp cận, trong khi có đến 160.000 người theo dõi trang.
“Tôi dần chán việc sử dụng nền tảng này. Hơn nữa, việc đăng bài trở nên vô nghĩa khi chẳng ai tiếp cận được nội dung của tôi”, cô nói thêm.
Theo Sara Tasker, chuyên gia truyền thông xã hội và cố vấn Instagram, các quy định đối với nhóm tập trung vào hình ảnh tĩnh hoặc kinh doanh nhỏ lẻ có phần thay đổi.
Vì ảnh chụp màn hình không dễ thích ứng với video, người dùng như Gajda chỉ còn cách từ bỏ nền tảng này. Cô cho rằng mình bị đối xử bất công khi phải “chứng kiến 8 năm hoạt động bị hủy hoại”.
Từ năm 2017, Eliza Hatch, nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động xã hội đến từ London (Vương quốc Anh), lập ra trang @CheerUpLuv để kể những câu chuyện quấy rối tình dục.
Cô cho rằng chiến dịch của mình đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự hậu thuẫn của nền tảng nguyên bản.
Dù vậy, cô vẫn phải công nhận sức mạnh của mảng Reels.
Ở thời điểm hiện tại, các video thu được lượng tương tác cao gấp 20 lần hình ảnh tĩnh. Hatch buộc thích nghi với thay đổi, dù điều đó làm cô căng thẳng.
“Tôi chỉ còn cách thuận theo thời thế. Nhưng đây không phải không gian mạng tôi mong muốn. Các nhà sáng tạo như tôi gặp khó khăn trong việc cân bằng cũ - mới”, cô nói với Vice.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần lý giải quyết tâm giữ bản cập nhật bị hầu hết người sáng tạo nội dung ghét bỏ của Instagram.
Frances Corry, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Văn hóa và Xã hội Kỹ thuật số (Mỹ), cho rằng nền tảng này luôn mong đợi sự phàn nàn từ cộng đồng mạng.
“Họ tin thái độ chống đối sẽ không kéo dài lâu. Chỉ sau một thời gian, người dùng phải tập quen với cấu hình mới và quên dần giao diện yêu thích lúc trước.
Đây không phải chuyện mới lạ trong sự phát triển của mạng xã hội lớn. Instagram sẽ chỉ tập trung vào cái mình muốn. Họ không sợ hãi khi có lực lượng fan hâm mộ trung thành đông đảo suốt nhiều năm”, nữ chuyên gia giải thích.
Tương lai của nền tảng
Bà Corry thừa nhận rằng sự thay đổi mới nhất này có thể đánh dấu một cuộc “di cư” hàng loạt của các nghệ sĩ hoạt động trên không gian ảo. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng Instagram chưa thể sụp đổ chỉ vì chuyện này.
Để dễ hiểu, chuyên gia lấy Tumblr, một mạng xã hội phổ biến khác, làm ví dụ. Đây là nền tảng nổi tiếng vì cho phép đăng tải nội dung khiêu dâm. Năm 2018, họ cấm nội dung này và mất hàng triệu người dùng, đặc biệt là nhóm thuộc cộng đồng LGBT.
“Họ buộc phải làm thế khi đối mặt với vấn đề pháp lý. Tương tự, Instagram cũng cần giải quyết các mối lo về thương mại. Tùy theo tình hình, nền tảng sẽ có hướng đi phù hợp để đạt lợi ích cao nhất”, bà nói thêm.
Ở thời điểm hiện tại, các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung đang nỗ lực tìm “nơi” thay thế để giới thiệu và quảng bá tác phẩm của họ. Với Gajda, cô chọn rời bỏ hoàn toàn khỏi mạng xã hội.
“Tôi muốn thực hiện dự án trong đời thực. Với ý tưởng về việc hẹn hò với người lớn tuổi, tôi nghĩ mình có thể viết sách, tổ chức podcast hay phát triển một chương trình truyền hình.
Dù vậy, tôi vẫn tiếc nuối khi nghĩ về Instagram của ngày xưa. Không nền tảng chia sẻ ảnh nào cạnh tranh được với họ. Thay vì lắng nghe ý kiến người dùng, họ chọn cách lờ đi. Thật đáng buồn”, cô bày tỏ.