Theo nguồn tin nội bộ tiết lộ với Bloomberg, công ty chuyên thiết kế kiến trúc chip Arm đang thương thảo với các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, trong đó có cả Intel, để lôi kéo họ tham gia vào đợt IPO lớn nhất trong năm.
Nguồn tin cho biết kế hoạch này vẫn đang được bảo mật và mới chỉ ở giai đoạn đầu. Do đó, kế hoạch kêu gọi IPO với Intel vẫn có thể thất bại trước khi đợt phát hành cổ phiếu diễn ra. Số vốn và cấu trúc đầu tư Intel đối với Arm hiện vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.
Thuộc sở hữu của Tập đoàn tài chính SoftBank Nhật Bản, Arm đặt mục tiêu sẽ huy động thành công 10 tỷ USD trong đợt phát hành IPO ở New York vào cuối năm 2023. Công ty thiết kế chip có trụ sở ở Cambridge dự kiến chọn nhà bảo lãnh phát hành vào tháng 3, nộp hồ sơ IPO vào cuối tháng 4 và hoàn thành đợt chào bán vào cuối năm nay, Bloomberg cho biết.
Để chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, Arm đã chọn 4 ngân hàng lớn bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan, Barclays và Mizuho Financial Group bảo lãnh phát hành chính.
Bloomberg đánh giá việc Intel trở thành nhà đầu tư lâu dài trong đợt IPO này chính là cơ hội thu hút sự chú ý, điều chỉnh giá cổ phiếu, đặc biệt là khi thị trường đang trong giai đoạn khó khăn như hiện tại. Nếu thảo luận giữa Intel và Arm thành công, Intel sẽ xuất hiện trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu của Arm.
Theo trang tin, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư lâu dài thường mua 100-200 triệu USD trong đợt phát hành IPO của các công ty bán dẫn. Đơn cử như quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới General Atlantic đã mua 100 triệu USD cổ phiếu trong đợt IPO của nhà sản xuất hệ thống xe tự lái Mobileye thuộc sở hữu của Intel vào năm ngoái.
Một trong những chiến lược quan trọng nhất trong kế hoạch khôi phục vị thế của Intel trên thị trường bán dẫn là mở rộng nhà máy sản xuất và hợp tác với nhiều công ty, kể cả các doanh nghiệp từng là đối thủ.
CEO Pat Gelsinger từng tuyên bố Intel sẽ mở các cơ sở sản xuất theo hợp đồng. Nếu muốn bước chân sang mảng sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng, cạnh tranh với TSMC, hãng chip Mỹ buộc sẽ phải gia công vi xử lý dựa trên công nghệ và xây dựng thêm các cơ sở chế tạo bên ngoài.
Trước đó, Intel và Arm đã có mối quan hệ hợp tác khá tốt. Công nghệ và bản vẽ vi xử lý của Arm được sử dụng bởi các đối tác lớn trên toàn cầu như Qualcomm, Samsung, MediaTek, Huawei, Apple.
ARM hiện diện trên hơn 95% điện thoại thông minh được bán ra. Những tên tuổi đa dạng như vi xử lý Bionic của Apple, dòng Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung, Kirin của Huawei thực chất đều sử dụng chung thiết kế của một hãng duy nhất: ARM.
Bloomberg nhận định giữ một phần cổ phiếu và vị trí tại ban quản trị của Arm, CEO Gelsinger thể hiện sự cam kết lâu dài với công ty đối thủ và thực hiện bước đầu kế hoạch mở rộng nhà máy của mình. Xuyên suốt lịch sử hơn 50 năm kể từ khi thành lập, nhà máy của Intel chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nội bộ của công ty.
Nhà sáng lập SoftBank, tập đoàn Nhật Bản sở hữu Arm, kỳ vọng đợt phát hành cổ phiếu này sẽ trở thành đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành bán dẫn.
Quy mô định giá vẫn chưa được hoàn tất nhưng Bloomberg ước tính con số có thể ở mức 30-70 tỷ USD. Kế hoạch niêm yết Arm đã được SoftBank tính toán ngay sau khi thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành chip được chờ đợi giữa Arm và tập đoàn Nvidia thất bại hồi tháng 2/2022.