Trong thời gian qua, metaverse là một chủ đề nóng trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời được nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư. Trong vũ trụ ảo, con người sẽ xuất hiện dưới các hình đại diện (avatar) 3D và sinh hoạt, làm việc, học tập, mua sắm, giải trí… như thế giới thực. Song song với đó, nhiều lo ngại xuất hiện, cho rằng tội phạm trong metaverse đang gia tăng.
Trước tình hình đó, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã thành lập một không gian thực tế ảo của riêng mình, cho phép người dùng tham gia các cuộc họp ảo, được đào tạo kỹ năng hình sự ở đây.
Vũ trụ ảo của Interpol
Metaverse của Interpol được thiết kế đặc biệt dành riêng cho việc thực thi pháp luật trên toàn thế giới. Tổng thư ký Jurgen Stock cho rằng Interpol không thể thụt lùi trong việc áp dụng công nghệ để bắt tội phạm. “Các nhóm người xấu rất giỏi sử dụng các công cụ công nghệ tân tiến để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, chúng ta cần mạnh tay can thiệp”, Tổng thư ký nói.
Ông cho rằng các nhà lập pháp, cảnh sát và xã hội đôi khi bị tụt hậu so với tội phạm mạng. “Nếu cảnh sát chậm chân, các công cụ này sẽ đánh mất lòng tin của người dùng, metaverse cũng không ngoại lệ. Các nhóm tội phạm đã nhiều lần lợi dụng các nền tảng trước đó theo cách này”, ông Jurgen Stock nói.
Theo BBC, ở metaverse do Interpol xây dựng, người dùng chỉ có thể truy cập qua các máy chủ an toàn, giúp cảnh sát trải nghiệm vũ trụ ảo, hình dung các cách thức phạm tội có thể xảy ra và ngăn chặn chúng.
Cụ thể, người dùng sẽ truy cập metaverse của Interpol thông qua Interpol Secure Cloud, cho phép họ tham quan bản sao ảo của trụ sở Tổng thư ký Interpol ở Lyon, Pháp. Người dùng cũng có thể tương tác với các sĩ quan thông qua avatar và tham gia các khóa đào tạo nhập vai về điều tra pháp y cùng các khả năng trị an khác.
Thách thức trong metaverse
Madan Oberoi, Giám đốc công nghệ và đổi mới của Interpol cho biết định nghĩa phạm tội trong metaverse vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. “Có nhiều hành vi trái pháp luật mà chúng tôi không biết có thể gọi là phạm tội hay không”, ông nói.
Đơn cử như những vụ việc quấy rối tình dục trong metaverse bởi rất khó để áp dụng cách hiểu về tội quấy rối ở đời thật vào metaverse. “Chúng tôi không chắc đây có phải hành vi phạm tội hay không nhưng nguy cơ luôn rình rập ở đó và vẫn chưa được giải quyết”, Madan Oberoi chia sẻ.
Theo ông, một trong những thách thức lớn nhất của Cảnh sát Hình sự Quốc tế là nâng cao ý thức của nhân viên về vấn đề này. “Nếu muốn cứu người chết đuối, trước hết chúng ta phải biết bơi. Tương tự, nếu luật pháp muốn giúp những người bị xâm phạm ở metaverse, họ cần phải biết metaverse là gì. Đó chính là mục tiêu của chúng tôi - giúp các cơ quan thực thi luật pháp tham gia vũ trụ ảo và có nhận thức về lĩnh vực này.
Theo Nina Jane Patel, Giám đốc tổ chức nghiên cứu metaverse Kabuni, những hành vi trái pháp luật và gây hại đến cộng đồng ở thế giới thực cũng nên bị xem là phạm pháp ở vũ trụ ảo.
“Sẽ rất khó khăn cho cảnh sát nếu phải đánh giá cùng một hành vi nhưng ở thế giới ảo và xã hội thật theo hai cách khác nhau. Điều này cũng gây ra sự mất kết nối và dễ bị hiểu nhầm đâu mới là hành vi được xã hội chấp nhận ở thế giới ảo và thế giới thật”, Giám đốc nói.
Tổng thư ký Jurgen Stock của Interpol cũng cho rằng Cảnh sát Quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong quy định điều tra các vụ án ở metaverse trong tương lai.
Theo ông, tội phạm mạng vốn không nằm riêng ở quốc gia nào bởi chỉ với vài cú nhấp chuột, các hành vi phạm tội có thể diễn ra xuyên lục địa. Khi đó, vai trò của Interpol sẽ càng trở nên quan trọng trong thời đại hiện nay. Không quốc gia nào có thể giải quyết những vấn đề này một mình.
“Đây chính là sứ mệnh của Interpol với 195 nước thành viên. Chúng tôi sẽ hợp tác để trừng phạt những tội phạm ở metaverse”, Tổng thư ký khẳng định.