Giá iPhone trong nước sắp tăng do biến động về tiền tệ. Ảnh: PhoneArena.
iPhone hiện không được sản xuất trong nước mà nhập khẩu hoàn toàn. Do đó, nhà phân phối, đại lý phải nhập khẩu từ các nguồn hàng của Apple. Trước việc tỷ giá USD tăng cao so với Đồng Việt Nam gần đây, phía đại lý cho biết sản phẩm sẽ sớm được điều chỉnh giá bán lẻ.
Mức tăng của mặt hàng iPhone tương đương với biến động tỷ giá thời gian qua. Trước mắt, giá bán smartphone Apple đời cũ như iPhone 12, iPhone 13 đã tăng 3-5%. Bên cạnh nhu cầu từ người dùng, tỷ giá cũng ảnh hưởng đến giá bán những model nêu trên.
Nói với Zing, đại diện CellphoneS cho biết Apple và đại lý vẫn đang tìm cách cân đổi để giữ giá dòng sản phẩm mới phát hành như iPhone 14 series. Điều này dựa vào lượng hàng tồn kho có sẵn, vốn được nhập ở giá cũ. Đồng thời, việc giữ giá cũng là hành động từ phía hãng, nhà phân phối nhằm cân đối quyền lợi giữa người dùng khi thiết bị được phát hành chưa lâu.
iPhone 14 Pro Max chính hãng có thể tăng 1,2-2 triệu đồng. Ảnh: Phone Arena.
“Mức giá bán quy đổi ra Đồng Việt Nam hiếm khi có thay đổi lớn. Tuy nhiên, tỷ giá với USD biến động mạnh buộc hãng phải điều chỉnh. Thực tế với mức chênh hiện tại, việc hãng tăng giá theo USD chỉ là việc sớm muộn”, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, phía FPT Shop cho biết họ đã làm việc từ trước với các đơn vị cung ứng để nhập số lượng lớn và tìm cách giữ giá sản phẩm. Điều này giúp hạn chế biến động, ảnh hưởng đến người dùng.
Đối chiếu trên mức tăng của USD gần đây, giá của một chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max có thể phải cộng thêm 1,5-2 triệu đồng chênh lệch. Trước mắt, giá đơn hàng cho lô sản phẩm mới như iPad Pro M2, iPad gen10 đã được điều chỉnh, tính theo tỷ giá mới ở mốc gần 25.000 đồng/USD. Điều này đồng nghĩa người dùng sẽ mua máy đắt hơn 3-5%.
Loạt sản phẩm phụ kiện Apple được cập nhật bảng giá nhập mới từ giữa tháng 10 khi tỷ giá có thay đổi lớn. Những mặt hàng bị ảnh hưởng gồm MacBook, Apple Watch, bút cảm ứng, bàn phím…
Thực tế, riêng giá nhập iPhone 14 vẫn được giữ ở mức tốt cho các nhà bán lẻ trong nước, với tỷ giá cũ. Đây là nguyên nhân khiến một số đơn vị có thể đặt giá sản phẩm ở mức rất cạnh tranh, thấp hơn cả thị trường Mỹ. Ví dụ, iPhone 14/14 Plus tại các đại lý vừa và nhỏ ở Việt Nam có giá thấp hơn mức khi quy đổi trên website bán hàng của Apple Mỹ.
Cách tính giá nhập của đại lý dựa trên con số ngay khi nhận hàng từ nhà phân phối. Mức chi phí sẽ được tính dựa trên tỷ giá USD hiện thời. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ vẫn sẽ trả cho phía cung ứng bằng Đồng Việt Nam, sau khi toàn bộ hàng hóa được phân phối đủ. Trong khi đó, phía nhà phân phối phải mua hàng từ đối tác ngoài nước bằng USD.
Những lãnh đạo cấp cao của Apple cũng đã nhìn ra vấn đề từ việc chênh lệch tỷ giá tại một số quốc gia. “Chúng tôi chứng kiến mức tăng trưởng 2 con số ở Ấn Độ, Indonesia, Mexico và Việt Nam. Và rõ ràng, nếu tính theo đồng nội tệ, mức tăng trưởng thậm chí còn tốt hơn”, ông Luca Maestri, Giám đốc Tài chính của Apple trả lời trong phiên công bố báo cáo tài chính hôm 28/10.
Bên cạnh iPhone, giá các mặt hàng smartphone, máy tính được dự báo sớm tăng 3-5% trong thời gian tới. Đây là thay đổi bắt buộc với sản phẩm điện tử, gần như phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu và phải thanh toán bằng đồng USD.