Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, không muốn bị gọi là một công ty Trung Quốc, theo CNN (Mỹ).
Sàn này được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2017 nhưng sau đó đã chuyển trụ sở ra khỏi Trung Quốc Đại lục, được cho là do các quy định ngày càng ngặt nghèo của Trung Quốc về tiền điện tử.
CEO Changpeng Zhao cho biết, câu chuyện về nguồn gốc của nó vẫn là một vấn đề nan giải đối với công ty.
"Các đối thủ của chúng tôi ở phương Tây đã cố gắng tô vẽ chúng tôi là một công ty Trung Quốc", ông viết trong một bài đăng trên blog vào tháng 9 năm ngoái. "Họ làm điều đó với mục đích không tốt".
Trong những tháng gần đây, PDD Holding – chủ sở hữu của siêu thị trực tuyến Temu – đã dời trụ sở chính từ Thượng Hải (Trung Quốc) sang Ireland trong khi Shein, nhà bán lẻ thời trang nhanh cũng chuyển trụ sở sang đến Singapore.
Xu hướng này diễn ra vào thời điểm các doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại rơi vào trường hợp như TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.
Thậm chí, một số công ty Trung Quốc hoạt động ở phương Tây còn cố gắng tuyển dụng giám đốc điều hành nước ngoài để giúp họ có lợi ở một số thị trường nhất định.
"Giấu nhẹm" nguồn gốc
CNN cho hay, Temu - siêu thị trực tuyến đã phát triển nhanh chóng ở Mỹ và Châu Âu, tự coi mình là một công ty Mỹ thuộc sở hữu của một công ty đa quốc gia.
Temu có trụ sở tại Boston còn công ty mẹ PDD Holding xác nhận trụ sở chính ở Dublin (Ireland) thay vì Thượng hải như trước đây.
"Một khả năng là PDD Holding đang mở đường cho việc niêm yết ở nước ngoài [riêng biệt] của Temu. Nếu vậy, một trụ sở chính ở Ireland hoặc các nơi khác ở châu Âu có thể đáp ứng các yêu cầu rút vốn của nhà đầu tư", Eugene Weng, luật sư tại Wintell & Co có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Financial Times.
Ông Weng nói thêm rằng, trụ sở chính tại Ireland sẽ giúp công ty dễ dàng xử lý các vấn đề về thuế với các nước châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, Shein cũng ít nhắc đến nguồn gốc của mình.
Vào năm 2021, khi gã khổng lồ thời trang bán lẻ trở nên nổi tiếng ở Mỹ, trang thông tin của họ đã không đề cập đến câu chuyện của chính mình, bao gồm lần ra mắt lần đầu tiên ở Trung Quốc.
Shein cũng không nói rõ trụ sở ở đâu, chỉ nói rằng mình là một công ty "quốc tế".
Giờ đây, trang web hồ sơ của công ty của Shein trên LinkedIn xác nhận Singapore là trụ sở chính, cùng với "các văn phòng hoạt động chính ở Mỹ và các thị trường toàn cầu lớn khác", mà không đề cập đến Trung Quốc.
Chiến lược dễ hiểu
CNN cho rằng, thật dễ dàng để hiểu tại sao các công ty vốn có nguồn gốc Trung Quốc lại áp dụng cách tiếp cận này.
"Bị coi là một công ty Trung Quốc sẽ có thể ảnh hưởng không tốt cho hoạt động kinh doanh toàn cầu và đi kèm với nhiều rủi ro", Scott Kennedy, cố vấn cao cấp đồng thời là Chủ tịch ủy thác về kinh tế và kinh doanh với Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS -Washington), cho biết.
"Nó có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của họ, nó có thể ảnh hưởng đến cách các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đối xử với họ và khả năng tiếp cận tín dụng, thị trường, đối tác, trong một số trường hợp là đất đai và nguyên liệu thô".
Ben Cavender, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược China Market Research Group, tiết lộ Washington gần như tự động cho rằng các công ty có khả năng chia sẻ dữ liệu một cách bất hợp pháp.
"Trong bối cảnh đó, nếu bạn là một doanh nhân Trung Quốc và mục tiêu của bạn là tối đa hóa khả năng tiếp cận người tiêu dùng… thì thật thông minh khi cố gắng làm cho công ty của bạn trở nên đa quốc gia hơn, quốc tế hơn và ít tập trung vào Trung Quốc hơn".