Được Bộ trưởng Văn hóa Gennaro Sangiuliano ủng hộ, luật mới sẽ dùng các khoản tiền phạt thu được để chi trả cho việc sửa chữa và dọn dẹp di tích bị hư hại tại Italy.
Cụ thể, du khách sẽ bị phạt cho hành vi phá hoại mức ít nhất 10.000 euro (11.102 USD) và cao nhất 60.000 euro (66.615 USD). Chính phủ Italy đã thông qua đề xuất trên tại cuộc họp nội các vào ngày 11/4. Dự luật này sẽ sớm được quốc hội nước này thông qua và trở thành luật.
“Các hành vi phá hoại các di tích và địa điểm nghệ thuật gây thiệt hại kinh tế cho mọi người. Để giải quyết, cần có sự can thiệp của nhân lực chuyên môn cao và sử dụng máy móc rất tốn kém. Ai thực hiện các hành vi này cũng phải chịu trách nhiệm tài chính”, người đứng đầu Bộ Văn hóa Italy cho biết trong một tuyên bố.
Ông Sangiuliano tiết lộ thêm rằng chính phủ Italy đã buộc phải trả 40.000 euro (44.410 USD) để làm sạch mặt tiền của lâu đài Palazzo Madama - được Unesco công nhận di sản thế giới - ở thành phố Turin, sau vụ phá hoại gần đây bởi khách du lịch và người biểu tình.
Đầu tuần trước, các nhà hoạt động môi trường đã đổ chất lỏng màu đen vào đài phun nước Barcaccia (có từ thế kỷ 15) của nhà điêu khắc Bernini ở trung tâm thủ đô Rome, nhằm yêu cầu chính phủ hành động đối với biến đổi khí hậu. Những người này sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ vì phá hoại di tích.
Vào tháng 6/2022, một du khách người Mỹ cũng đã bị cấm tham quan Bậc thang Tây Ban Nha tại Rome suốt đời sau khi gây thiệt hại 26.000 USD tại di tích này.