Theo hãng tin Bloomberg, cuộc đại chiến giữa mạng xã hội Twitter và tỷ phú Elon Musk đã bóc trần một sự thật nữa về Jack Dorsey, nhà khởi nghiệp nổi tiếng Thung lũng Silicon.
Tại Mỹ, Twitter là mạng xã hội khá nổi tiếng, nhất là trong giới chính trị gia hoặc người nổi tiếng bởi nó cho phép các cá nhân bày tỏ quan điểm của mình và hạn chế sự ràng buộc. Tất nhiên, người sáng lập Twiiter, Jack Dorsey cũng trở thành một trong những nhà khởi nghiệp thu hút tại Mỹ.
Trở lại với câu chuyện của Twitter, nhà sáng lập Jack Dorsey đã đệ đơn kiện lên tòa án ở Delaware-Mỹ, qua đó yêu cầu tỷ phú Elon Musk thực hiện đúng cam kết mua lại mạng xã hội này với giá tiền trên hợp đồng.
Tuy nhiên theo hãng tin Bloomberg, điều đáng suy nghĩ ở đây là vụ kiện này có liên quan đến mọi người ngoại trừ chính nhà sáng lập Jack Dorsey. Bản thân nhà khởi nghiệp này đã rời vị trí quản lý Twitter từ tháng 11/2021, ngay trước khi hàng loạt những vụ lộn xộn bắt đầu.
Trên thực tế, trong khi Twitter vật vã với những cuộc cãi vã thì Jack Dorsey lại bận quản lý công ty thanh toán trực tuyến tiền số Block, đồng thời đảm nhiệm vai trò “hoạt náo viên” trong giới tiền số này.
Gần đây, Dorsey lại tiếp tục sáng lập ra Web5, một trang đầu cơ bất động sản rủi ro cao cho thị trường New York.
Ngay khi cuộc chiến pháp lý giữa Twitter và Elon Musk nổ ra, nhà sáng lập Dorsey đã thể hiện những quan điểm trái chiều đầy mâu thuẫn.
Ví dụ như động thái khóa tài khoản Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump của Twitter, vốn bị Elon Musk phản đối, được Dorsey ban đầu thừa nhận là đúng đắn để rồi sau đó lại đổi thành “điên rồ và sai trái”.
Ngay sau khi Elon Musk ngỏ ý mua Twitter và được mạng xã hội này thông qua, Jack Dorsey đã ca ngợi nhà sáng lập Tesla là “Giải pháp đơn giản mà tôi tin tưởng”, để rồi chỉ một thời gian sau đó 2 người kiện cáo nhau ra tòa.
Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng hãng tin Bloomberg nhận định cách điều hành của Jack Dorsey đang khiến Twitter không có được giá trị thực mà nó nên có.
Nhà sáng lập “mộng mơ”
Hãng tin Bloomberg cho biết Elon Musk không phải nạn nhân đầu tiên cho phong cách thất thường của Jack Dorsey. Đầu năm 2020, quỹ Elliott Management của Paul Singer đã mua hơn 1 tỷ USD cổ phiếu của Twitter và cố gắng cải tổ lại bộ máy lãnh đạo mạng xã hội này.
Cụ thể, phía Elliott lo ngại nhà sáng lập Jack Dorsey đang mất tập trung khi đảm nhiệm cùng lúc 2 vị trí CEO tại thời điểm đó, nhất là khi kết quả kinh doanh của Twitter được cho là kém hơn so với tiềm năng thực sự.
Trên thực tế, câu chuyện về phong cách làm việc phóng khoáng của Dorsey đã chẳng còn gì lạ với nhân viên. Năm 2018, nhà sáng lập này theo học khóa thiền im lặng 10 ngày ở Myanmar, cắt mọi liên hệ công việc. Năm 2019, Dorsey đi chơi cả tháng tại Châu Phi và sau đó là 10 ngày thiền im lặng nữa.
Năm 2020, đáp trả ý định cải tổ của Elliott là tuyên bố đầy bất ngờ của Jack Dorsey khi cho biết ông sẽ làm việc từ xa tại Châu Phi trong vòng 3 tháng.
Khi sự việc Twitter khóa tài khoản Cựu Tổng thống Donald Trump diễn ra vào tháng 1/2021, Jack Dorsey khi đó còn đang ở quần đảo Frech Polynesia, phía nam Thái Bình Dương.
Chân dung nhà sáng lập Twitter càng rõ ràng hơn dưới sự miêu tả của Peiter Zatko, cựu giám đốc an ninh mạng làm việc cho Twitter từ năm 2020. Theo Zatko, Twitter hầu như không có sự quan tâm đúng mức đến bảo mật thông tin người dùng.
Kể từ trước khi Zatko gia nhập, Twitter đã vấp phải bê bối khi để một tin tặc 17 tuổi lấy cắp thông tin từ những người nổi tiếng như Bill Gates hay Elon Musk để đi lừa đảo tiền số.
Khi đã vào làm việc, Zatko cho biết nhà sáng lập Dorsey không thường xuyên dự các cuộc họp và đôi khi sẽ biến mất nhiều tuần liền trong khi các trợ lý sẽ biện minh cho ông bằng vô số lý do.
Sau khi giao phó cho Zatko hàng trăm nhân viên và hàng nghìn đối tác, Dorsey dường như bỏ mặc mọi chuyện và cả năm chỉ nói chuyện với vị giám đốc này có 6 lần và thốt ra khoảng 50 từ tổng cộng.
Đáp trả, phía Twitter cho biết Zatko chỉ là kẻ cơ hội khi có năng lực kém, đang nhăm nhăm muốn hưởng lợi từ cuộc chiến pháp lý giữa Elon Musk và mạng xã hội này.
Vào đầu tháng 9/2022, Twitter đã sa thải Zatko kèm khoản bồi thường trị giá 7 triệu USD.
Theo Bloomberg, bất kể câu chuyện trên thế nào thì hình ảnh của nhà sáng lập Jack Dorsey cũng bị ảnh hưởng bởi chính bản thân ông là người đã tuyển dụng Zatko.