Chứng khoán KBSV vừa có báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế quý 2/2023 với nhiều điểm đáng lưu ý.
Dự báo GDP cả năm tăng trưởng 5,4%
Theo đó, KBSV hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5,4% so với mức 6% so với báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô trước đó. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Động lực từ đầu tư công; Giải ngân FDI kỳ vọng tương đương năm 2022; Tiêu dùng nội địa tích cực (hưởng lợi từ khách Trung Quốc); và Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ở chiều ngược lại, rủi ro suy thoái Mỹ và EU được cho là yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng của GDP khi đơn hàng xuất khẩu suy giảm mạnh, và sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã tác động tiêu cực tới điều kiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, và xây dựng.
Mặc dù xuất hiện các yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2023, nhưng KBSV ước tính lạm phát của Việt Nam đạt 4,1% - vẫn được kiểm soát tốt quanh ngưỡng 4-4,5% cho cả năm 2023.
Nguyên nhân do: Giá heo hơi tăng nhẹ quanh 60.000 nhờ nguồn cung ổn định đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước; và Giá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt; Giá xăng dầu ổn định và Khác với hầu hết các nền kinh tế khác, Việt Nam không có áp lực lạm phát xuất phát từ chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng tích luỹ trong 2 năm Covid.
Rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ đến từ việc Chính phủ thực hiện lộ trình tăng giá điện sau 3 năm giá đi ngang bất chấp giá nhiên liệu đã tăng đáng kể.
Lãi suất tiếp tục giảm trong quý 2
Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%.
Mức lãi suất này được kỳ vọng với bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50bps trong quý 2/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 – 2022, trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 -5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7,0-8,0% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11,0% với mức giải thích R square cho cả 2 mô hình đều đạt 80%.
Trong năm 2023, các yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống bao gồm: (1) Ngân hàng Nhà nước thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng; Kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm (đã được trình bày trong phần dự báo GDP)
KBSV hạ dự báo tăng trưởng tín dụng xuống 12-13 %YoY do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém hơn khi thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn (từ 14% trong báo báo cáo cũ), huy động tăng cao đạt 12% và cung tiền tăng trở lại 13% YoY – một phần do nền thấp của năm 2022.
Tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong năm 2023, và nếu có chỉ biến động trong biện độ hẹp 2%, nhờ nguồn cung ngoại tệ được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2022, khi duy trì xuất siêu và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Riêng quý 2/2023, tỷ giá trong nước sẽ biến động nhẹ quanh 23.500 khi: (1) DXY Index được dự báo biến động quanh 102 điểm nhờ việc Fed sẽ kết thúc lộ trình tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023 (theo kịch bản cơ sở trong BCCL); (2) Nguồn cung ngoại tệ dồi dào trở lại là yếu tố giúp cho NHNN tiếp tục mua USD, gia tăng dự trữ ngoại hối.
Cụ thể, theo ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua được 4 tỷ USD trong quý 1/2023 khi tỷ giá trong nước về mức 23.450 - cũng là mức giá mua USD từ Ngân hàng Nhà nước.
Cho cả năm 2023, KBSV kì vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể mua 10 - 12 tỷ USD, tương ứng mức trung bình trong 10 năm từ 2012 - 2021, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, nhờ: (1) Nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối và giải ngân FDI ổn định, duy trì xuất siêu dù kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm nhanh hơn, và vay nợ ròng nước ngoài; (2) DXY Index đang trong đà suy yếu khi rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ tăng lên kể từ sau vụ sụp đổ 3 ngân hàng tại Mỹ.