Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/12), sau khi số liệu việc làm cho thấy các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể đã bắt đầu gây sứt mẻ thị trường lao động. Giá dầu thô tiếp tục giảm vì Covid-19 bùng mạnh ở Trung Quốc đẩy cao mối lo về sự suy giảm của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,75%, đạt 3.849,28 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,05%, đạt 33.220,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,6%, đạt 10.478,09 điểm.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 cùng tăng điểm, trong đó nhóm dịch vụ truyền thông và công nghệ tăng mạnh nhất, với mức tăng đạt gần 3%.
“Phiên tăng này mang tính chất giải toả. Sức ép bán tháo đã áp đảo trên thị trường những phiên gần đây, và chúng ta đang có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Điều này cho phép giá cổ phiếu đi lên, và việc khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp cũng góp phần mang lại một phiên giao dịch tốt đẹp”, nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của Globalt Investments nhận định với hãng tin Reuters.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đồng loạt tăng mạnh, như Apple, Alphabet, Microsoft, và Amazon tăng hơn 2,5% mỗi cổ phiếu, sau khi bị “vùi dập” trong những phiên trước.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng lên. Nhà đầu tư phấn khởi, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Fed đã đạt thêm bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy thị trường việc làm của Mỹ còn thắt chặt, chứng tỏ Fed sẽ còn phải tăng lãi suất trong năm 2023.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu sẽ là phiên cuối cùng của năm nay. Những đợt tăng lãi suất liên tiếp và quyết liệt của Fed, cộng thêm lạm phát cao dai dẳng và tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), đã khiến chứng khoán Mỹ điêu đứng suốt cả năm, với S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - đã giảm 19,3% từ đầu năm, Nasdaq “bốc hơi” 33%, và Dow Jones giảm 8,58%.
Cổ phiếu công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ truyền thông - những nhóm có các cổ phiếu tăng trưởng cao - đều giảm từ 29-40% trong năm nay, trở thành những nhóm “đỏ” nhất trong số các nhóm cổ phiếu ngành của S&P 500.
Đây sẽ là năm giảm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ kể từ năm 2008, chấm dứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp.
Dù vậy, quý 4 này là một quý khởi sắc của thị trường, với Dow Jones đã tăng 15,65% từ đầu quý và đang tiến tới chấm dứt chuỗi 3 quý giảm liên tiếp. S&P 500 đã tăng 7,35% trong quý, sau 3 quý liên tiếp giảm. Trong khi đó, Nasdaq giảm 0,92% từ đầu quý, tiến tới hoàn tất chuỗi 4 quý giảm liên tiếp đầu tiên từ năm 2001.
Dù những tờ lịch cuối cùng của năm đang rơi xuống, một số nhà đầu tư cho rằng những khó khăn mà chứng khoán Mỹ phải trải qua trong năm nay sẽ không sớm chấm dứt. Tình trạng “thị trường gấu” có thể duy trì cho tới khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ.
“Chưa có yếu tố nền tảng nào thay đổi cả. Chẳng qua giá cổ phiếu đã giảm sâu, và tăng nảy lại mà thôi”, CEO Adam Sarhan của 50 Park Investments phát biểu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu có phiên giảm thứ hai liên tiếp. Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trở nên bấp bênh vì có thêm nhiều nước cân nhắc áp hạn chế đối với việc cho người Trung Quốc nhập cảnh, trong khi Covid tiếp tục lây mạnh ở quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế chống dịch.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 82,26 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 78,4 USD/thùng.
Anh đang cân nhắc áp hạn chế đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan cũng đã áp quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Craig Erlam của OANDA, đang có nhiều yếu tố cùng lúc tác động lên giá dầu, gồm tình hình Covid ở Trung Quốc, biến động tỷ giá đồng USD, chiến tranh Nga-Ukraine, khả năng có những động thái bất ngờ từ OPEC+, và cả các số liệu kinh tế.
“Với quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, tôi không cho rằng ai có thể đưa ra một dự báo chắc chắn nào về giá dầu”, ông Erlam nói.