Trong bối cảnh các tuyến đường xung quanh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đều ùn tắc, đường Điện Biên Phủ quá tải khi gánh lượng lớn phương tiện đổ dồn về khu trung tâm mỗi ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị xem xét phá dỡ bức tường chắn giữa 2 khu dân cư cao cấp Vinhomes Central Park và Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) để khơi thông tuyến đường ven sông.
Tuy nhiên, trên thực tế, đoạn đường giữa 2 khu dân cư này vốn có thiết kế giới hạn cho một lượng xe và loại hình chuyên chở nhất định. Việc mở tuyến đường này khiến nhiều cư dân tại đây quan ngại sẽ dẫn đến xung đột phương tiện và nhiều hệ lụy an ninh.
Ưu tiên xe công cộng
Trao đổi với Zing, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, khẳng định khu vực từ mép sông Sài Gòn trở vào 50 m thuộc về sở hữu công cộng. Ông nhìn nhận việc bỏ bức tường này để nối con đường ven sông từ cầu Sài Gòn đến khu trung tâm là chuyện rất nên làm và hợp lý.
“Khi tuyến đường được thông, chủ đầu tư cũng hoàn toàn được hưởng lợi bởi vì cư dân có thêm lựa chọn vào khu trung tâm”, ông Sơn nói.
Đoạn cuối đường Trần Trọng Kim của khu đô thị Vinhomes Central Park đang bị ngăn cách bởi một bức tường với dự án Saigon Pearl. Ảnh: Quỳnh Danh.
Chuyên gia cho hay khi thông tuyến đường ven sông, thành phố không nên khuyến khích cho lượng lớn xe từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đổ về. Thay vào đó, tuyến đường nên ưu tiên cho xe buýt điện cỡ nhỏ, xe đạp và người đi bộ lưu thông dọc ven sông. Bên cạnh đó, tuyến đường có thể được thiết kế cảnh quan hài hòa cùng các hoạt động du lịch đường thủy, tăng phát triển cho ven sông.
Khi tuyến đường được thông, chủ đầu tư cũng hoàn toàn được hưởng lợi.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
“Việc có kẹt xe cục bộ hay không phụ thuộc vào cách quản lý giao thông. Và kể cả giải pháp tránh xe từ Nguyễn Hữu Cảnh dẫn vào cũng không khó, ngành giao thông hoàn toàn có thể phân luồng, điều chỉnh lại”, TS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Có quan điểm tương tự, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, khẳng định về nguyên tắc, khi dự án đô thị hoàn thành, tất cả tuyến đường đều thuộc về đô thị và không có riêng của khu vực nào cụ thể. Và với một dự án khu đô thị khi hoàn thành thì đường đô thị phải được nối liền đường đô thị thành phố.
Bức tường chắn tuyến đường giữa 2 khu dân cư. Ảnh: Quỳnh Danh.
Mặt khác, để tránh được những xung đột giao thông ở tuyến đường ven sông, vị chuyên gia cho rằng người làm công tác thiết kế không nhất thiết phải làm 2 chiều. Họ có thể tạo ra hai con đường một chiều, tương tự đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, hai trục này tương đương 1 trục từ hướng Hàng Xanh trở vào. Tuy nhiên, chuyên gia cho hay để làm được sẽ còn tùy thuộc vào lộ giới tuyến đường lớn để có thể linh hoạt thiết kế.
"Bất cứ con đường nào mở ra đều tạo điều kiện giải quyết ùn tắc, nhưng giải quyết cụ thể còn phụ thuộc vào quy mô và hướng thoát của con đường được tạo ra sao, nối kết hệ thống khu vực đó thế nào”, TS Võ Kim Cương gợi mở hướng giải tỏa áp lực cho các tuyến xung quanh cầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Tạo điều kiện tiếp cận sông
Sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256 km, chảy qua địa phận Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM. Trong đó, TP.HCM có khoảng 80 km sông chảy qua theo hướng bắc - nam, từ huyện Củ Chi dọc qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức cũ, quận 1, quận 2 cũ, quận 4 và quận 7.
Việc thông tuyến đường ven sông không chỉ tạo cảnh quan mà còn để người dân tiếp cận sinh thái sông nước tại chính nơi đang sống.
TS Võ Kim Cương
Tuy nhiên, hiện 80 km sông này chưa được khai thác hết tiềm năng, khiến người dân dù sống hai bên bờ vẫn chỉ tiếp cận được một diện tích khiêm tốn.
Nhắc lại lời một chuyên gia nước ngoài, TS Võ Kim Cương nói giá trị sinh thái là thứ không thể tính được. Và quang cảnh sông là một ví dụ, người dân sẽ khó thấy được giá trị của nó nếu không có điều kiện tiếp cận đến sông.
“Do đó, việc dỡ tường và mở ra tuyến đường ven sông này không chỉ tạo cảnh quan cho con đường ven sông mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận khu sinh thái sông nước, tại chính đô thị họ đang sống, cải thiện đời sống tinh thần”, TS Võ Kim Cương phân tích và cho rằng cần sớm khơi thông tuyến đường ven sông.
Nếu bức tường được tháo dỡ, tuyến đường dọc ven sông giữa 2 khu dân cư cao cấp được nối liền. Ảnh: Quỳnh Danh.
Về lâu dài, ông Cương cho rằng chủ trương mở tuyến giao thông hai bên sông Sài Gòn để khai thác dòng sông từ cảnh quan, môi trường nước sẽ phát huy hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, tuyến đường ven sông còn giúp hoàn chỉnh kết nối trung tâm TP.HCM với khu vực phía bắc, góp phần giảm tải cho quốc lộ 22.
Theo ông, trước mắt để làm tốt thì cần có quy hoạch tổng thể để từ đó đưa ra thiết kế đô thị, định hướng cảnh quan, sau mới đến khai thác cảnh quan, bến, bãi, công viên, cây xanh.
Bên cạnh đó, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nhìn nhận các nước trên thế giới không chỉ làm đường ven sông mà còn làm dịch vụ ven sông và trên sông. Vì vậy, TP.HCM cũng cần lưu ý việc mở ra và khai thác đường ven sông có hiệu quả.
“Để giải quyết công trình trên hành lang sông cần kinh phí rất lớn. Vì vậy, cần dựa vào các nguồn hỗ trợ để làm sao có kết quả tốt nhất", ông nói.