Thông tin này được ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều tối 6/9.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện việc điều chỉnh “room” tín dụng đợt này của Ngân hàng Nhà nước vẫn dựa trên đơn xin “nới room” của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước nước với các ngân hàng này.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém (hiện Vietcombank và MB đã có phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
Về lạm phát, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây không còn là nguy cơ mà là rủi ro hiện hữu với nền kinh tế, dù chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam chỉ tăng 2,58% trong giai đoạn từ đầu năm 2022 tới tháng 8/2022, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Để chống lạm phát, nhiều Ngân hàng Trung ương lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng tổng cộng 2,25%, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng 0,5% qua đó chấm dứt 11 năm duy trì lãi suất thấp.
Với Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14%, qua đó đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc hoàn thành mục tiêu này, theo ông Tú, nhằm tuân thủ chỉ đạo của Trung ương, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng luỹ kế từ đầu năm tới nay đã đạt 9,91% - cao hơn nhiều so với cùng giai đoạn năm 2021.
Về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại vận dụng tối nội lực hiện hữu, cắt giảm các khoản chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch dịch Covid-19, qua đó thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát vừa tăng cường nguồn lực cho phục hồi kinh tế.
“Năm 2022 lẽ ra phải tăng lãi suất, nhưng Ngân hàng Nhà nước không thay đổi mặt bằng lãi suất. So với tương quan các nước có xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất nhanh thì Việt Nam thực tế lại giảm lãi suất để các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn với giá rẻ hơn” - ông Tú nói và cho biết lãi suất huy động và cho vay chỉ tăng lần lượt 0,25% và 0,24%, mức tăng thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân chỉ còn 7,9 - 9,5%/năm, còn lãi suất huy động bình quân là 6,3 - 6,8%/năm, cho thấy mức lãi suất này là khá hợp lý.