Hiện tại, do không thể huy động vốn, Fosun đã phải rao bán nhiều tài sản giữa lúc đối mặt nguy cơ không thể thanh toán các khoản nợ ngắn hạn - tờ Forbes cho hay.
Bán tài sản mà không quan tâm lỗ lãi
Ông Guo Guangchang, người đồng sáng lập của Fosun, được mệnh danh là “Warren Buffett Trung Quốc” khi có chiến lược đầu tư tương tự như huyền thoại đầu tư người Mỹ: Đó là sử dụng dòng tiền ổn định từ các công ty bảo hiểm để mua lại các doanh nghiệp khác.
Chiến lược này đã giúp ông Guo xây dựng Fosun trở thành một “đế chế” khổng lồ với nhiều tài sản trải khắp thế giới, từ câu lạc bộ bóng đá Wolverhampton Wanderers của giải Ngoại hạng Anh, ngân hàng Millennium BCP lớn nhất tại Bồ Đào Nha, hãng thời trang Pháp Lanvin và công ty quản lý chuỗi khu nghỉ dưỡng Club Med.
Nhưng giờ đây, “Warren Buffett Trung Quốc” đang chật vật với một vấn đề mà tỷ phú Buffett chưa từng gặp phải. Fosun đã vay số tiền khổng lồ để thực hiện các thương vụ mua lại và giới phân tích lo ngại rằng tập đoàn này không có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
"Làm gì có ai bán tài sản với mức giá giảm như vậy nếu như họ đang không rơi vào tình thế khó huy động tiền mặt? Nhiều tài sản của Fosun không dễ bán. Do đó, các công ty bảo hiểm có tính thanh khoản cao có thể sẽ tiếp tục mục tiêu bị bán”.
Shen Chen, lãnh đạo Shanghai Maoliang Investment Management
Từng phụ thuộc vào nguồn vốn từ thị trường trái phiếu cũng như tín dụng thông thoáng từ các ngân hàng, Fosun International, công ty con đầu tư hàng đầu của Fosun đã bị một loạt tổ chức xếp hạng hạ tín nhiệm xuống mức “rủi ro cao” (junk).
Giá trái phiếu bằng đồng USD của Fosun International gần đây liên tục chạm đáy. Hiện tại, trái phiếu đáo hạn năm 2027 với lãi suất cuống phiếu 5,05% của công ty này được giao dịch với giá chỉ 32,7 cent/1 USD mệnh giá, một mức được xem là có nguy cơ vỡ nợ cao - theo nhà phân tích tín dụng cấp cao Trung Nguyen của công ty nghiên cứu Lucror Analytics ở Singapore.
Nguồn vốn dành cho những công ty phát hành trái phiếu như Fosun giờ đây đã cạn kiệt sau khi China Evergrande Group, Kaisa, Sunac cùng nhiều nhà phát triển bất động sản lớn khác của Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu. Các nhà đầu tư trái phiếu giờ đây tránh xa những công ty có mức nợ cao trong lúc trông giờ kết quả từ kế hoạch tái cơ cấu của Evergrande và đánh giá bối cảnh chính trị.
Theo Forbes, các nhà chức trách Trung Quốc đang có ý định tiếp tục hạn chế việc sử dụng đòn bẩy trong khu vực tư nhân nhằm giảm rủi ro tài chính, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng cho các ngành nằm trong ưu tiên phát triển của Chính phủ như năng lượng xanh, công nghệ cao. Do đó, các ngân hàng nước này đang đề cao cảnh giác trong việc cho vay đối với những công ty đang nợ nần chồng chất
Theo các nhà phân tích, điều này khiến ông Gou không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục bán tài sản với giá rẻ để lấy tiền mặt. Cách làm này có thể khiến đế chế của ông ngày càng co cụm so với cái bóng của chính mình trước đây.
“Fosun đang ở trong tình cảnh tồi tệ khi bán tài sản mà không quan tâm tới việc lỗ hay lãi. Họ tìm cách bán bất kỳ tài sản nào có thể bán”, ông Nguyen của Lucror Analytics nhận xét.
Khủng hoảng len lỏi trong mạng lưới công ty con rối rắm
Từ đầu năm đến nay, Fosun - tập đoàn có trụ sở tại thành phố Thượng Hải - đã bán nhiều tài sản quan trọng để tránh vỡ nợ ngắn hạn.
Tuần trước, Fosun International, hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, thông báo có kế hoạch bán toàn bộ 60% cổ phần đang nắm tại công ty mẹ của hãng thép Nanjing Iron & Steel cho tập đoàn Jiangsu Shagang Group với giá 2,2 tỷ USD. Trước kế hoạch này, số cổ phần này trị giá ít nhất 3,2 tỷ USD, tăng 350% so với năm 2021, theo dữ liệu từ Dealogic.
Fosun International hiện có tổng nợ phải trả lên tới 650 tỷ Nhân dân tệ (90 tỷ USD), tăng 8% so với năm ngoái. Theo báo cáo sơ bộ được công bố vào cuối tháng 8, 40% trong đó là các khoản nợ chịu lãi, bao gồm 17,2 tỷ USD nợ gốc đáo hạn vào tháng 6/2023 - con số vượt xa lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt chỉ khoảng 16 tỷ USD của công ty ở thời điểm hiện tại.
“Áp lực đảo nợ gia tăng” và thanh khoản thấp của Fosun International là những yếu tố khiến cả Moody’s Investors Service và S&P Global Ratings lần lượt hạ xếp hạng tín nhiệm công ty này vào tháng 8 và tháng 9. Ngày 30/9, Moody’s đưa Fosun International vào diện xem xét để hạ xếp hạng thêm nữa khi giá trị thị trường của các tài sản niêm yết của công ty đang “giảm nhanh và đáng kể”. Sang đầu tháng 10, Fosun thông báo sẽ ngừng cung cấp thông tin làm cơ sở xếp hạng cho Moody’s.
Trong một năm qua, giá cổ phiếu Fosun International đã giảm gần 50% xuống mức thấp nhất 10 năm. Lợi nhuận của Fosun International cũng giảm 33% xuống còn 375 triệu USD trong nửa đầu năm nay dù doanh thu tăng 18% lên 11,5 tỷ USD.
Công ty đã bán số cổ phần 2% tại Fosun Tourism - công ty con về du lịch sở hữu Club Med hiện niêm yết ở Hồng Kông - với giá thấp hơn 15% so với giá thị trường. Công ty cũng đã bán cổ phần đang nắm giữ tại công ty con Fosun Pharmaceutical đang niêm yết tại Thượng Hải. Fosun Pharmaceutical là nhà phân phối độc quyền vaccine Covid-19 công nghệ mRNA của BioNTech tại Trung Quốc đại lục.
Ngay cả mảng kinh doanh bảo hiểm cốt lõi của Fosun cũng chịu ảnh hưởng. Hồi tháng 4, Fosun International đã bán công ty bảo hiểm AmeriTrust của Mỹ với giá 740 triệu USD và tới tháng 9, tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty bảo hiểm Yong’an Insurance - có trụ sở tại Thiểm Tây - từ 40,7% xuống 14,7%.
Cũng trong tháng 9, Fosun cũng đã bán số cổ phần 0,89% tại công ty New China Life Insurance. Dù giá trị của thương vụ này không được tiết lộ, nhưng giá cổ phiếu công ty bảo hiểm này đã giảm 33% kể từ khi Fosun bắt đầu đầu tư vào đây hồi năm 2016.
"Làm gì có ai bán tài sản với mức giá giảm như vậy nếu như họ đang không rơi vào tình thế khó huy động tiền mặt?”, ông Shen Chen, lãnh đạo của công ty đầu tư Shanghai Maoliang Investment Management, nhận xét. “Nhiều tài sản của Fosun không dễ bán. Do đó, các công ty bảo hiểm có tính thanh khoản cao có thể sẽ tiếp tục mục tiêu bị bán”.
Để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, ông Gou liên tiếp đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội, Trong một bài đăng trên Sina Weibo, ông nói rằng Fosun sẽ kiện hãng tin Bloomberg vì đưa tin sai sự thật và gây hiểu lầm dựa trên các nguồn ẩn danh. Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn giấu tên nói rằng nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các công ty quốc doanh kiểm tra các rủi ro tài chính liên quan tới Fosun.
“Một công ty có nhiệm vụ tạo ra những sản phẩm tốt và cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, ông Guo viết. “Nhưng đôi khi, những ồn ào từ bên ngoài có thể gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
Trong khi đó, Fosun International khẳng định không mắc nợ nhiều như những gì thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Trong một thông cáo báo chí ngày 18/9, công ty cho biết tổng nợ phải trả 650 tỷ Nhân dân tệ trên bảng cân đối kế toán bao gồm nợ hợp nhất tại các công ty con mà công ty không có nghĩa vụ trả. Công ty này khẳng định nợ thực tế chỉ là 100 tỷ (14 tỷ USD).
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định tình trạng nợ nần của Fosun vẫn rất nghiêm trọng. Không ai có thể chắc chắn rằng Fosun International có thể đảm bảo nghĩa vụ với các khoản nợ phải trả với một mạng lưới công ty con, công ty liên kết phức tạp vào rối rắm, mà nhiều trong số này đang nặng nợ.
Ví dụ, Shanghai Fosun High Technology có 24 tỷ USD nợ ngắn hạn đáo hạn vào tháng 6 năm sau, trong khi tiền mặt ngắn hạn chỉ có 5 tỷ USD. Còn chuỗi bách hóa Yuyuan hiện có 633 triệu USD tiền mặt nhưng cần phải trả 3,8 tỷ USD nợ ngắn hạn sắp đến hạn trong vòng 12 tháng tới. Hồi tháng 9, Fosun đã bán 5% cổ phần Yuyuan đang nắm giữ cho công ty gia công kim loại Qingzhan với giá 176 triệu USD.
“Nếu các công ty con vỡ nợ hoặc phải thanh lý tài sản, thì Fosun sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Đó là có giải cứu hay không”, chuyên gia Shen của Shanghai Maoliang nhận xét trong cuộc trao đổi với Forbes. “Hiện họ không có tiền để giải cứu, còn nếu giải cứu thì sẽ phải tiếp tục bán tài sản”.