Theo ghi nhận của Zing, hiện tại, có 2 luồng ý kiến về khách Ấn Độ. Với các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, khách Ấn chính là nhóm tiềm năng, sức chi lớn, có thể thay thế khách Trung Quốc, Nga. Tuy nhiên, với người làm dịch vụ, đôi khi họ thấy nhóm khách này khá khó chiều.
Khách Ấn Độ khó tính?
Tìm kiếm từ khóa "khách Ấn Độ" trong các hội nhóm nghề khách sạn, bạn dễ dàng tìm thấy nhiều câu chuyện dở khóc dở cười được dân ngành chia sẻ. Đa số kết luận đây là nhóm khách khá khó chiều.
Trần Sơn Tùng, cựu quản lý một khách sạn lớn ở Hà Nội, thừa nhận khách Ấn Độ có những đặc trưng văn hóa của riêng họ. Điều này đôi khi khiến người làm dịch vụ tại Việt Nam "hơi mệt".
Từ trải nghiệm cá nhân, Tùng thấy nhóm khách này thường đòi hỏi khá nhiều, ví dụ xin giảm giá, miễn phí dịch vụ... Do đó, người làm dịch vụ phải hiểu tâm lý của họ để có cách xử lý tốt nhất.
"Tôi thấy đó là hình mẫu chung của đa số khách Ấn Độ tại Việt Nam. Dĩ nhiên, cũng có những khách ngoại lệ. Họ lịch sự và tế nhị hơn", anh nói.
Kinh nghiệm khi làm việc với khách Ấn Độ của Tùng là luôn cẩn trọng trong giao tiếp. Anh khuyên "dân ngành" nên giữ tinh thần thép, không để họ "thao túng tâm lý". Ví dụ, nếu khách muốn nhận nhiều hơn những gì đã trả, bạn cần chặn ngay từ đầu để họ không kỳ vọng quá cao.
Theo cựu quản lý khách sạn này, người làm dịch vụ cần biết cách chiều khách. Tuy nhiên, với bất kể khách nào, họ cũng phải biết cân bằng giữa "chiều" và "cứng rắn".
Anh chia sẻ thêm: "Họ khá thích xin nhưng không xin được cũng chẳng làm khó chúng tôi. Tôi thấy nhiều người làm dịch vụ cũng than vãn chuyện phục vụ khách Ấn Độ. Tuy nhiên, mọi thứ không quá tiêu cực. Đó giống như câu chuyện vui của dân trong ngành thôi".
Phải hiểu họ
Zing cũng đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội về những "tâm tư" của người làm trong ngành dịch vụ về khách Ấn Độ.
Ông Thắng cho biết mỗi thị trường có những phân khúc khác nhau. Phân khúc bình dân, đại trà là phổ biến nhất. Tiếp đó là nhóm khá giả, V.I.P với số lượng ít hơn. Nhiều cơ sở chỉ đón khách đại trà, chưa được trải nghiệm với khách cao cấp ở Ấn Độ.
Ngoài ra, sự phân biệt giàu, nghèo ở Ấn Độ khá lớn. Do đó, dù cùng thị trường, khách Ấn Độ cũng có người này, người kia. Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh đây vẫn là thị trường tiềm năng với hàng tỷ dân. Vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam sẽ khai thác thị trường này thế nào.
"Thực ra, mỗi khách sạn lại hướng đến một nhóm khách phù hợp với cơ sở vật chất, cách làm truyền thông của họ. Đa số đơn vị chỉ đón khách đại trà và chưa thực sự hiểu họ. Cần nhớ, trước năm 2019, khách Ấn Độ tới Việt Nam vẫn tương đối ít", ông chia sẻ.
Hiểu khách là yếu tố quan trọng. Do chưa thực sự tiếp xúc nhiều với nhóm khách này, không ít người làm dịch vụ vẫn còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, hiện tại, khách Nga chưa thể trở lại nhiều vì vấn đề chính trị. Khách Trung Quốc lại bị ảnh hưởng từ chính sách chống dịch. Trong bối cảnh này, Ấn Độ vẫn được đánh giá là nguồn cung lớn cho thị trường du lịch Việt Nam.
Để có thể hiểu và đón nhiều khách Ấn Độ hơn, ông Thắng cho biết bản thân doanh nghiệp lữ hành, các địa phương cũng cần tập trung đào tạo, tăng cường kiến thức cho nhân lực. Chúng ta phải hiểu văn hóa, tính cách của họ trước khi mong muốn thu hút nhóm khách này tới Việt Nam.
Theo đại diện Hội Lữ hành Hà Nội, bản chất của du lịch chính là sự giao lưu văn hóa. Chúng ta cần tôn trọng những vấn đề thuộc về văn hóa của khách nước ngoài - trong trường hợp này là khách Ấn Độ.
"Các bên cần chung tay nhiều hơn để hỗ trợ, đào tạo nhân lực trong ngành khi đón một thị trường khách mới như Ấn Độ. Chúng ta tôn trọng họ. Họ sẽ tôn trọng và đến với chúng ta", ông Thắng nói.