Một năm trở lại đây, chị Diệu Anh - 27 tuổi, trú tại quận 3, TP.HCM - thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe của Vinasun, một hãng taxi truyền thống lớn tại khu vực phía Nam. Mỗi khi giá cước xe công nghệ tăng cao đi kèm tình trạng khó tìm tài xế vì thời tiết xấu, ứng dụng gọi xe do các doanh nghiệp taxi truyền thống phát triển luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người dùng này.
“Thời điểm đầu tiên tôi sử dụng app Vinasun là nửa cuối năm ngoái. Giai đoạn đó giá cước xe công nghệ thường xuyên tăng cao gấp 1,5-2 lần taxi. Mỗi khi thời tiết chuyển xấu hoặc rơi vào giờ cao điểm, tôi luôn ưu tiên dùng app taxi”, chị Diệu Anh chia sẻ.
Tìm đến chỉ vì giá cước ổn định
Năm 2014, sự xuất hiện của hai ông lớn lĩnh vực gọi xe công nghệ là Uber và Grab đã gây ra nhiều xáo trộn với thị trường taxi truyền thống của Việt Nam. Không chỉ nhờ công nghệ, việc sở hữu ngân sách lớn dành cho khuyến mãi, tiếp thị giúp Uber và Grab nhanh chóng thu hút tài xế, người dùng cũng như giành được chỗ đứng nhất định trong mảng vận tải đô thị.
Trước khi có Uber và Grab, ba hình thức gọi taxi phổ biến nhất tại Việt Nam là vẫy trực tiếp, gọi tổng đài hoặc thông qua các điểm tiếp thị như bệnh viện, bến xe, nhà ga, cảng hàng không… Song, áp lực cạnh tranh buộc các hãng taxi phải sớm có sự điều chỉnh, trong đó việc đầu tư phát triển ứng dụng gọi xe được xem là thiết yếu.
Với số lượng lên đến hàng trăm doanh nghiệp, xu hướng phát triển ứng dụng gọi taxi giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn để đáp ứng nhu cầu di chuyển gồm thương hiệu lẫn giá thành. Về phía hãng taxi, đây còn là cơ hội gia tăng nguồn thu thông qua kênh đặt xe mới.
Điển hình như Vinasun vừa rồi ghi nhận 17.000 lượt đặt xe qua app bình quân mỗi ngày, tương đương 6,2 triệu lượt khách nếu tính cả năm. Con số này thậm chí tăng hơn 18% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch).
Sau 8 năm từ thời điểm ra mắt, lượng đặt xe qua ứng dụng Vinasun lần đầu tiên vượt hình thức gọi tổng đài vốn đã tồn tại hàng chục năm. Năm 2023, hãng tiếp tục đặt mục tiêu nhận về 25.000 lượt đặt taxi bình quân mỗi ngày qua app, cao hơn kênh tổng đài 5.000 lượt.
Hay như hãng taxi điện Xanh SM của Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM nhận được hơn 800.000 lượt tải app sau một tháng đi vào vận hành hồi đầu năm nay. Bên cạnh hình thức gọi xe truyền thống, hãng này nhiều lần nhấn mạnh sự quan trọng của kênh ứng dụng trong hoạt động kinh doanh thời gian tới.
Chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, chị Thanh Lan - 29 tuổi, trú tại Thủ Đức, TP.HCM - cho biết các ứng dụng gọi taxi có giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Bên cạnh đó, việc đưa ứng dụng vào hoạt động gọi xe giúp hãng taxi có thể phát huy nhiều lợi thế đặc thù.
“Tôi thường đặt taxi qua app khi trời mưa hoặc khi đi di chuyển từ sân bay. Trời mưa thường khó gọi xe công nghệ, giá cước cũng tăng rất cao. Còn khi ở sân bay taxi dễ đón hơn và giá cũng không tăng nhiều vào khung thời gian đêm khuya hay sáng sớm”, người dùng này nhận định.
Tương tự, chị Diệu Anh thường chọn đặt taxi qua ứng dụng mỗi khi di chuyển đi hoặc đến sân bay do điểm đón thuận tiện hơn trong khi khu vực xe công nghệ thường phải di chuyển ra xa.
Ngoài ra, việc một số ứng dụng đã có tính năng hiển thị trước giá cước cũng như lộ trình giúp khách hàng yên tâm hơn và không phải lo lắng tình trạng tài xế mua đường để tăng thêm chi phí di chuyển.
Ứng dụng thiếu hoàn thiện, ít tính năng
Dù sớm bắt tay làm ứng dụng, tốc độ phát triển tính năng của các hãng taxi truyền thống lại diễn ra tương đối chậm, thậm chí nhiều ứng dụng có dấu hiệu dậm chân tại chỗ. Ví dụ tính năng thông báo giá cước tới khách hàng, vốn rất cơ bản đối với xe công nghệ, mới chỉ được tích hợp trên ứng dụng của Vinasun từ năm 2020 hay từ giữa năm 2021 trên ứng dụng của taxi Mai Linh.
Mặt khác, hầu hết ứng dụng đặt taxi hiện nay chỉ có thể ước lượng giá cước theo km và chủ yếu đóng vai trò kênh gọi xe cho người dùng. Giá cước thực tế trên mỗi chuyến xe đều được tính theo đồng hồ của hãng.
Sự thiếu hoàn thiện về mặt công nghệ của các ứng dụng cũng không ít lần gây phiền toái cho khách hàng. Với trường hợp của Diệu Anh, tài xế thường xuyên gặp khó khăn mỗi khi tìm địa chỉ của chị do bản đồ trên ứng dụng chưa kịp cập nhật.
“Ứng dụng đến nay vẫn thế, bản đồ chưa thấy được cập nhật, đôi lúc nhập địa chỉ vẫn gặp sự cố và ảnh hưởng đến trải nghiệm, thao tác”, chị phàn nàn.
Đồng cảm nhận, anh Hữu Ngọc - 42 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội - cho biết so với thời điểm mới sử dụng cách đây hơn một năm, ứng dụng hầu như không nâng cấp, giao diện nhàm chán, thiếu hấp dẫn và không có nhiều tính năng để tạo thành thói quen sử dụng thường xuyên hơn. Do đó, người dùng này chỉ sử dụng đặt taxi qua ứng dụng trong trường hợp không còn lựa chọn khả dĩ.
Một trong những hạn chế khác của các ứng dụng là không tích hợp nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử. Như Vinasun và Mai Linh phải đến 1-2 năm trở lại đây mới bắt đầu triển khai tính năng này trên ứng dụng. Ngay cả ứng dụng EMDDI ra đời từ năm 2018 và đang kết nối với hàng trăm hãng taxi trên nhiều tỉnh thành cũng chưa có lựa chọn thanh toán trực tuyến.
Để khắc phục hạn chế về công nghệ, nhiều hãng taxi đã bắt tay trực tiếp với xe công nghệ trong những dịch vụ như GrabTaxi, beTaxi, be VinFast (hợp tác với GSM). Ngoài ra, các hãng taxi cũng đẩy mạnh hợp tác với các ví điện tử, ứng dụng ngân hàng, du lịch, đặt phòng để mở rộng kênh phân phối dịch vụ vận tải.