Những ngày này, chị H.N. đang rất chật vật tìm kiếm mặt bằng tại trung tâm TP.HCM cho công ty. Chị cho biết vừa được giới thiệu một mặt bằng ngay góc ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thánh Tôn (quận 1) có thiết kế rất phù hợp với thương hiệu, nhưng khi liên hệ môi giới lại được báo giá tăng gấp rưỡi so với khách thuê trước.
"Bạn tôi làm kế toán tại công ty thuê mặt bằng này trước đây, có báo tôi giá họ thuê chỉ đâu đó 140 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến khi tìm gọi loạt môi giới, tôi thật sự 'giật mình' khi họ đều báo giá 9.000 USD/tháng (hơn 210 triệu đồng), tức tăng 50% so với giá thuê cũ. Sau 2 năm thuê, giá sẽ tiếp tục tăng 10%", chị kể.
Hét giá cao, tăng giá liên tục
Khi chị đặt câu hỏi tại sao giá tăng nhiều như vậy, các môi giới đều cho biết giá cũ chỉ dành cho thời điểm dịch. "Nếu chị thật sự muốn thuê có thể thương lượng với chủ nhà để giảm giá nhiều hơn. Tuy nhiên, sẽ không ở mức 140 triệu đồng/tháng như khách thuê trước", môi giới nói với chị N.
Ngay sau khi cúp máy, chị N. có gọi đến một môi giới khác để xác nhận lại thông tin. Người môi giới này cho hay nếu chị ký hợp đồng thuê trước Tết Âm lịch thì sẽ có mức giá ưu đãi là 160 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu sau dịp này, giá thuê sẽ quay về mức 9.000 USD/tháng.
Cả hai môi giới đều khẳng định mặt bằng 160 m2 này đang được rất nhiều bên hỏi, đặc biệt là các chuỗi F&B có tiếng cũng đang nhen nhóm ý định thuê.
"Giờ tìm mặt bằng rất khó khăn, những mặt bằng đẹp thì chủ lúc nào cũng ở kèo trên, rất khó thương lượng giá dù liên tục bị bỏ trống. Còn mặt bằng giá phù hợp thì lại phải thi công sửa chữa lại rất nhiều hoặc là xa trung tâm", chị chia sẻ.
Thực tế, theo ghi nhận của Zing trên các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng... đang có rất nhiều mặt bằng to, đẹp ngay góc mặt tiền ngã tư được "hét" giá thuê tiền tỷ dù vắng khách thuê nhiều tháng qua.
Đơn cử, mặt bằng 4 căn tổng diện tích 500 m2 ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Trương Định (quận 1) vẫn "cửa đóng then cài" nhiều năm qua. Trong lúc này, đã có môi giới báo giá thuê lên đến 50.000 USD/tháng, với thời hạn hợp đồng 10 năm. Điều đáng nói, cách đây một tháng, mặt bằng này chỉ được báo giá 45.000 USD/tháng.
"Nếu được giá thì thuê chứ chủ nhà sẽ không giảm giá thêm, đó là lý do mặt bằng này liên tục đóng cửa 3-4 năm nay", một người tự nhận là môi giới nói.
Hay tại mặt bằng 850 m2 nằm trên ngã ba Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Khiêm (quận 1), giá chào thuê vẫn ở mức 1 tỷ đồng/tháng suốt mấy tháng nay. Dù chủ nhà đã đưa ra phương án "xé lẻ" thành ba mặt bằng nhỏ để thuận tiện cho khách thuê, mặt bằng này vẫn "ế ẩm".
Còn mặt bằng 2 mặt tiền Nguyễn Thị Minh Khai - Phùng Khắc Khoan (quận 1) cũng đang rao thuê 12.000 USD/tháng. Thậm chí chủ nhà còn rao bán mức giá 220 tỷ đồng cho những ai có nhu cầu sở hữu luôn mặt bằng này.
Dù ế ẩm, giá thuê vẫn sẽ tiếp đà tăng
Dữ liệu mới nhất của chuyên trang Batdongsan cho thấy nhà phố cho thuê ở TP.HCM luôn có mức độ quan tâm cao. Trong quý IV/2022, mức độ quan tâm, tìm kiếm các căn nhà phố cho thuê tại quận 1 và quận 3 lần lượt tăng đến 154% và 188% so với quý I/2022 - thời điểm vừa mở cửa sau đại dịch.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này không đáng là bao nếu so sánh với các thị trường tập trung dân cư hơn như quận 9 cũ (tăng 361%), quận 10 (tăng 303%), quận 7 (tăng 295%), Phú Nhuận (tăng 229%)...
Một phần lý do khách thuê không còn mặn mà với khu vực trung tâm là giá chào thuê quá cao. Trong một cuộc trao đổi với Zing cách đây không lâu, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan cho biết tỷ lệ lấp đầy nhà phố cho thuê ở các tuyến đường trung tâm hiện chỉ khoảng 30-35%, một số khu vực thậm chí còn đìu hiu hơn.
Tổng giám đốc một chuỗi cà phê lớn ở thị trường quốc tế khi đến Việt Nam thừa nhận câu chuyện tìm kiếm mặt bằng là khó khăn lớn nhất trong chiến lược gia tăng độ phủ. Trái với một số thị trường khác, tại Việt Nam chủ mặt bằng không có sự ưu ái đối với khách thuê, do đó giá thuê thường tăng phi mã kèm nhiều điều khoản khắt khe.
Chia sẻ với Zing, phó tổng giám đốc điều hành một chuỗi F&B ở TP.HCM và Hà Nội cũng thừa nhận đang rất vất vả với việc tìm kiếm mặt bằng mới.
"Mục tiêu gia tăng độ phủ trong năm 2023 của chúng tôi khá lớn, nhưng thực tế giá mặt bằng khắp nơi đều bị nâng lên một mức rất vô lý. Không doanh nghiệp F&B nào sống nổi với giá thuê đó", ông nói.
Theo vị này, giá thuê cao không chỉ gây khó khăn cho khách thuê mới, mà ngay cả khách thuê cũ khi làm ăn không tốt, muốn sang nhượng lại mặt bằng cũng rất thách thức, bởi chủ nhà nhất quyết không giảm giá.
"Lý do là họ đã kiếm được rất nhiều từ những năm trước, thậm chí còn lấy được 3-6 tháng tiền cọc của khách thuê cũ trả mặt bằng trước thời hạn, nên không cần thiết phải nhượng bộ để có khách thuê mới sớm", người này nói thêm.