Theo tờ Chosun Ilbo, dữ liệu từ BC Card chỉ ra khách du lịch Việt Nam đã chi 197.000 won (khoảng 150 USD) trong giao dịch thẻ bình quân đầu người tại Hàn Quốc vào năm ngoái, vượt qua Nhật Bản (188.000 won - 143 USD), Trung Quốc (171.000 won - 130 USD), Đài Loan (126.000 won - 96 USD) và Mỹ (109.000 won - 83 USD).
Lý do chính được đưa ra là du khách Việt Nam quay trở lại Hàn Quốc với số lượng đông hơn nhiều sau đại dịch, trong khi các quốc gia Đông Nam Á khác có thời gian phong tỏa kéo dài hơn.
Theo dữ liệu, du khách Việt Nam chủ yếu chi tiền cho các cửa hàng miễn thuế, cửa hàng bách hóa, bệnh viện, thực phẩm tốt cho sức khỏe như nhân sâm và mỹ phẩm.
Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, hầu hết du khách Việt Nam cho rằng mua sắm, du lịch ẩm thực, chăm sóc sắc đẹp và du lịch chữa bệnh là những lý do hàng đầu khiến họ đến Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là điểm đến được yêu thích thứ hai của người dân tại Hàn Quốc, chỉ sau Nhật Bản. Việt Nam đã đón 1 triệu khách hàng chỉ trong 4 tháng đầu năm nay. Vì vậy, các hãng hàng không ở xứ sở kim chi đều muốn tăng cường chuyến bay giữa hai điểm đi - đến này.
Một quan chức của ngành hàng không Hàn Quốc cho biết: “Việt Nam có truyền thống là điểm đến hàng đầu của người Hàn Quốc với giá cả tương đối rẻ. Đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và mở cửa trở lại trong bối cảnh đại dịch".
Mức độ phổ biến của Việt Nam có thể được chứng minh bằng dữ liệu từ Jeju Air cho thấy hãng đã vận chuyển tổng cộng 962.200 lượt người đến Việt Nam vào năm 2019. Tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi trung bình đạt 85%.
Các hãng hàng không của Hàn Quốc là Jeju Air, Korean Air Lines và Asiana Airlines đều có kế hoạch tăng tần suất các chuyến bay đến Việt Nam.
Hiện ngành du lịch Hàn Quốc vẫn gặp khó khăn bởi sự vắng bóng của du khách Trung Quốc với tỷ lệ giảm từ 33,9% xuống 3,3% vào những tháng đầu năm nay. Dù vậy, du lịch từ Đông Nam Á đã tăng từ 13,1% lên 26,7%.