Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Văn Kháng, chủ homestay BackpackerHostel Khang (đường Trưng Nữ Vương), cho biết từ sáng 26/9, một số du khách đã quyết định trả phòng sớm để về TP.HCM.
Về nhà bất chấp giá vé máy bay
"Nhóm khách này đặt 3 hôm nhưng chỉ ở một hôm. Tôi cũng chỉ tính tiền họ một đêm. Họ đổi vé máy bay để về sớm. Chi phí đội lên gấp 3-4 lần nhưng khách vẫn quyết về vì sợ bão", ông Kháng nói.
Đêm 26/9, Cảng vụ Hàng không miền Trung cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động các sân bay trong khu vực. 4 sân bay tạm dừng hoạt động từ 12h ngày 27/9 đến 12h ngày 28/9 gồm Đà Nẵng, Phú Bài, Pleiku, Phù Cát. Riêng sân bay Chu Lai tạm dừng khai thác từ 7h ngày 27/9 đến 7h ngày 28/9.
Thông tin này cũng nhanh chóng được các du khách có lịch trình đi Đà Nẵng nắm bắt. Vì là lý do bất khả kháng, họ đều không gặp khó khăn trong việc bảo lưu vé hoặc hủy vé hoàn tiền.
Ngọc Diệp, du khách Hà Nội, đặt vé ngày 27-30/9 của hai hãng Bamboo Airways (chiều đi) và Vietravel Airlines (chiều về) qua đại lý với giá tổng cộng hơn 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, chiều đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng lại khởi hành lúc 8h15 ngày 27/9 - thời điểm sân bay Đà Nẵng chưa tạm ngưng hoạt động.
Do đó, cô không thể hủy vé. Nữ du khách đành chấp nhận bỏ thêm phí đổi vé để có thể tới Đà Nẵng vào dịp khác. Về phần chỗ ở, Ngọc Diệp không gặp vấn đề gì do chuyến này, cô dự định lưu trú tại biệt thự của người quen.
Tạ Phượng, du khách Hà Nội, cũng có lịch trình du lịch trong 27-30/9. Tuy nhiên, may mắn hơn Ngọc Diệp, cô được đại lý thông báo sẽ hoàn 1,8 triệu đồng tiền vé khứ hồi do sân bay đóng cửa. Khách sạn Phượng thuê cũng đã đồng ý bảo lưu phòng cho cô.
"Tôi chỉ có thể bảo lưu chiều đi bởi chiều về chưa có thông báo sẽ hủy hay không. Thực ra, nếu hãng hàng không không hủy, tôi sẽ vẫn vào Đà Nẵng thuê villa để ở. Hết bão, tôi có thể đi chơi sau. Phí đổi ngày bay của hãng hàng không rất đắt, tới một triệu đồng/người", cô kể.
Mắc kẹt ở Đà Nẵng
Câu chuyện hủy vé hoặc đổi vé có thể tương đối dễ dàng với những người chưa khởi hành. Còn với những người đã đến Đà Nẵng từ trước đó, họ cho biết kế hoạch du lịch đã bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình thời tiết xấu.
Bùi Thảo, sống tại Hà Nội, cho biết mình đã tới Đà Nẵng từ 26/9. Tổng chi phí vé máy bay, phòng khách sạn cô phải trả cho chuyến đi 5 ngày 4 đêm là gần 3,9 triệu đồng. Ban đầu, du khách này dự định đi thêm cả Hội An (Quảng Nam) và Huế.
Sau 2 ngày ở Đà Nẵng, lịch trình dự tính của cô cũng đạt được khoảng 20%. Tuy nhiên, sáng 27/9, thời tiết chuyển xấu nên du khách này cũng có đôi chút hoang mang.
"Tôi đã lên lịch cho chuyến đi này từ lâu, không may dính đúng đợt bão. Vé máy bay không hủy được nên tôi vẫn quyết định đi. Tôi cũng đã dự trữ thêm ít lương thực bởi nhà hàng trong thành phố khả năng cao không còn mở nhiều. Chưa bao giờ tôi đi du lịch lại dính bão như này. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng sẽ ổn cả", cô cho biết.
Giống Bùi Thảo, Trang Trần và chồng cũng đã có mặt ở Đà Nẵng trước khi sân bay tạm ngừng hoạt động. Cô có lịch trình đi một số điểm du lịch như Cù Lao Chàm, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Hội An... Dù vậy, thời tiết xấu ở Đà Nẵng khiến kế hoạch du lịch đã bị xáo trộn ít nhiều. Cô cho biết nếu trời tiếp tục mưa bão, mình và chồng sẽ chơi trong khách sạn nốt những ngày còn lại.
Trao đổi với Zing, một số chủ khách sạn ở Đà Nẵng xác nhận nhiều khách quan tâm đến việc đổi vé để về sớm. Tuy nhiên, mức phí đổi vé cao khiến họ đành chấp nhận tiếp tục ở lại.
Bên cạnh đối tượng khách du lịch, nhiều sinh viên mới lên nhập học cũng đang cuống cuồng tìm chỗ tránh bão. Trên các hội nhóm review du lịch Đà Nẵng, nhiều khách sạn, homestay đã đăng bài "cho thuê phòng khách sạn tránh bão". Mức giá đưa ra cũng khá mềm, chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/đêm.
Tú Quỳnh, đại diện khách sạn New Era và Sunrise (đường An Thượng 1), cho biết nhiều sinh viên có nhu cầu tìm phòng kiên cố để trú bão. Do khách sạn còn một số phòng trống, cô quyết định cho sinh viên thuê với giá rẻ và hỗ trợ nước, mì gói cho họ.
"Bình thường, giá phòng rơi vào khoảng 500.000-600.000 đồng/đêm. Tuy nhiên, giá lúc này chỉ còn khoảng 200.000 đồng/đêm. Trong ngày 26/9, có một bạn sinh viên và một gia đình đã đặt phòng ở khách sạn. Tôi nghĩ con số này sẽ tăng thêm từ 27/9", Tú Quỳnh nói.
Chia sẻ với Zing, ông Kháng cũng xác nhận có nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên mới nhập học đang tìm phòng trú bão. Dù vậy, do cơ sở lưu trú không quá lớn, ông Kháng chỉ nhận vừa đủ khách. Chủ homestay này nói trong những ngày tới có khả năng mất điện, mất nước nên không muốn nhận nhiều, sợ ảnh hưởng tới khách.
Ông chia sẻ thêm: "Tôi đã gia cố lại cửa sổ và mái tôn trên sân thượng. Mọi năm, bão chỉ cấp 10-11 nên nhà cửa cũng không sao. Năm nay bão lớn cũng chưa biết thế nào".