Sau khi Michelin Guide chính thức công bố danh sách gợi ý quán ăn, nhà hàng ở Việt Nam cho năm 2023, các nhân viên của quán phở Hòa Pasteur (quận 3, TP.HCM) đang cùng nhau chia sẻ niềm vui.
"Được đơn vị như Michelin ghi nhận là một hạnh phúc lớn", ông Phạm Thành Tân, quản lý ca của Phở Hòa Pasteur, nói.
Kinh doanh được hơn 50 năm, xuất phát điểm là gánh hàng rong, từ quán phở chủ yếu tiếp đón người dân Sài Gòn, hiện, quán tiếp đón dân du lịch từ nhiều quốc gia khác nhau. Phở ở đây có giá 90.000 đồng/tô thường và 105.000 đồng/tô lớn.
Ngoài phở Hòa, danh sách 29 nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon, giá cả phải chăng) được Michelin Guide đưa ra tối 6/6 có nhiều cái tên quen thuộc.
Khách hàng tăng
Tối 6/6, khi đang chuẩn bị dọn hàng đóng cửa, anh Trương Vĩnh Thụy (sinh năm 1983), con trai của chủ quán cơm tấm Ba Ghiền (Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận) nhận được nhiều cuộc gọi từ bạn bè, người quen. Họ chúc mừng tiệm cơm tấm đã lọt vào danh sách gợi ý món ngon của Michelin.
“Tôi tôi nhận thấy lượng khách ghé đến vào giờ cơm trưa đông hơn thường ngày khoảng 30%, có thể một phần do hiệu ứng trên mạng”, anh Thụy nói.
Trước đó, cơm tấm Ba Ghiền đã là một trong những thương hiệu cơm tấm có tiếng tại TP.HCM. Một suất thường có giá 76.000 đồng, suất đầy đủ có giá 144.000 đồng.
Tên Ba Ghiền từng khiến nhiều người thắc mắc liệu có phải “ghiền” có nghĩa “yêu thích”, nhưng đó thực ra là tên của ông ngoại anh Thụy.
“Thời đó, đặt tên Ba Ghiền nghe lạ, nhưng đến bây giờ lại thấy nó mang nhiều giá trị và ý nghĩa, khiến nhiều người nhớ ngay khi nhắc tên”, anh nói.
Tương tự, khoảng 12h30, quán phở Tiến trên đường Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình, Hà Nội) đã thông báo hết đồ, không nhận thêm khách. Anh Đức Khánh, chủ quán, liên tục cáo lỗi một nhóm khách quen vừa tới: “Mai nhé, hôm nay hết mất rồi em ạ”.
“Đúng là vừa lọt danh sách Michelin có khác, chúc mừng quán nhé”, vị khách quen đùa, đành quay xe trở về.
“Thấy tên quán được vinh danh, tôi chảy nước mắt, vừa mừng vừa xúc động. Tôi mừng vì mình phát triển được tâm huyết của bố, ông Đức Tiến”, anh Khánh chia sẻ và nói thêm đã có những khách tìm đến thử sau khi nghe về danh sách Michelin.
Cách đó không xa, Bánh cuốn bà Xuân cũng là cái tên lọt vào danh sách Michelin Selected. Nhiều vị khách tới ăn cũng gửi lời chúc mừng tới quán ăn có tuổi đời gần 40 năm.
Chia sẻ với phóng viên, bà Lan (sinh năm 1963, con gái bà Xuân) vẫn tỏ ra tiếc nuối khi không có mặt tại sự kiện tối 6/6.
“Họ gửi giấy mời từ cách đây nửa tháng để chúng tôi sắp xếp thời gian tham dự. Nhưng tôi mải bán hàng, đến khi nhớ ra đã quá muộn”.
Tối đó, con trai bà theo dõi cập nhật qua mạng xã hội mới biết quán ăn gia đình được vinh danh. Thú nhận không hiểu rõ sức ảnh hưởng của Michelin Selected, bà Lan phải nhờ con và các vị khách quen giải thích.
Thêm động lực
Tối 6/6, khi vừa nhận được thông tin chi nhánh Bếp Mẹ Ỉn (chinh nhánh Lê Thánh Tôn) được Michelin Guide vinh danh, toàn bộ đội ngũ nhà hàng cùng nhau chia sẻ niềm hạnh phúc.
"Chúng tôi không biết thanh tra ẩm thực của Michelin ghé ăn uống, trải nghiệm vào lúc nào", anh Ngô Vương Quốc Khải, quản lý chuỗi Bếp Mẹ Ỉn, nói.
"Bếp cũng đang hướng tới có được một sao của Michelin, đó sẽ là cơ hội tốt hơn để chúng tôi phát triển hơn nữa", anh chia sẻ thêm.
Bếp Mẹ Ỉn được mở cửa từ năm 2016, với chi nhánh đầu tiên trong hẻm 136 Lê Thánh Tôn (quận 1). Chuỗi nhà hàng này phục vụ chủ yếu khách du lịch nước ngoài, chiếm tới 90% lượng khách.
Thực đơn của quán là những món đặc sản nổi tiếng. Ví dụ, đặc sản miền Nam có bánh xèo, cơm tấm; miền Bắc có chả giò hay bún chả - món bán chạy nhất trong menu.
"Giá cả cũng là một lợi thế cạnh tranh của quán. Đối với phân khúc nhà hàng dành cho khách du lịch, quán chúng tôi đang có mức giá khá thấp, dao động khoảng 139.000-239.000 đồng/món", anh Khải cho hay.
Nói về những tranh luận trên mạng xã hội về danh sách đề cử của Michelin Guide, quản lý cho rằng luôn tồn tại các quan điểm khác nhau, bởi mỗi người có một gu riêng. May mắn, đến hiện tại quán vẫn chưa ghi nhận thông tin trái chiều.
Chi Joon Hyuk (30 tuổi, người Hàn Quốc), bếp trưởng, chủ Labri - nhà hàng nằm trong danh sách Michelin Selected - vẫn nhớ như in cảm xúc vui mừng khi nhà hàng của mình được xướng tên. Anh nhanh chóng báo tin cho vợ, chị Thùy Linh, đang hồi hộp đợi ở nhà.
“Quán chúng tôi chủ yếu tập trung phục vụ khách Việt Nam. Nhờ danh hiệu này, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể hướng đến và nhận nhiều sự chú ý hơn từ nhóm khách nước ngoài, khách du lịch”.
Bắt đầu kinh doanh từ năm 2020, nhà hàng là tâm sức của cặp vợ chồng trẻ. Đối với Joon Hyuk, một nhà hàng nhận được sự đánh giá cao của Michelin Guide chắc chắn là niềm vinh dự, song anh quan niệm đạt sao hay lọt vào danh sách không phải là mục đích duy nhất khi mở cửa hàng. Điều quan trọng nhất vẫn là sự hài lòng của thực khách.
Trong khi đó, anh Chí Kiên - sáng lập chuỗi nhà hàng 1946 - và Quý Trọng - bếp trưởng chi nhánh 1946 Cửa Bắc - cho biết đã lên kế hoạch cùng nhân viên ăn mừng danh hiệu vừa nhận được. Chi nhánh này lọt danh sách Bib Gourmand tại Hà Nội.
Từng nhận không ít giải thưởng liên quan đến ẩm thực, anh Kiên nhận định danh hiệu lần này vẫn có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà hàng. Đây vừa là cơ hội để nhiều khách nước ngoài biết tới, vừa là động lực để nhà hàng duy trì, phát triển chất lượng món ăn.
Tuy nhiên, anh cho rằng danh hiệu này cũng đem lại áp lực nhất định, khi nhà hàng sẽ có thể nhận nhiều đánh giá khắt khe, kỹ càng và kỳ vọng cao hơn từ thực khách đến trải nghiệm.
“Nhưng chúng tôi không ngại áp lực, bởi đó cũng là động lực để hoàn thiện hơn. Chúng tôi cũng mong rằng danh hiệu này sẽ là cú hích để nhiều nhà hàng nói riêng và ngành F&B nói chung ở Việt Nam hồi phục lại sau khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch”.