"Tôi không đếm xuể số chai/ly nước đã mua. Tổng kết lại chi phí, tiền mua nước nhiều hơn cả tiền ăn", Phạm Hồng Quân (sống tại TP.HCM) kể về chuyến du lịch Thái Lan vào cuối tháng 3 cùng nhóm bạn.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Quân cho biết chuyến đi 5 ngày 4 đêm của mình đến Bangkok không trọn vẹn vì nắng nóng. Các thành viên dành đến 70% thời gian đi chơi để trú tại các quán cà phê hoặc trung tâm thương mại. Một số điểm check-in "hot" nằm trong kế hoạch, nhưng đành lược bớt.
"Thái Lan ít cây xanh, cộng thêm nhiệt hắt lên từ mặt đường làm tôi mệt mỏi, lười di chuyển. Ban ngày, đi ngoài đường khoảng vài phút, áo tôi ướt đẫm mồ hôi. Buổi tối, nhiệt độ ngoài trời cũng hầm hập", anh nói thêm.
Du lịch kém vui vì nắng nóng
Từ đầu tháng 3, đợt nắng nóng khắc nghiệt bao trùm Đông Nam Á. Tại Thái Lan, nhiệt độ trong ngày dao động 40-44 độ C, đặc biệt ở thủ đô Bangkok và tỉnh Lampang.
Thậm chí, vào tháng 4, quốc gia này ghi nhận nhiệt độ 44,2 độ C ở Lampang, chỉ kém kỷ lục quốc gia mọi thời đại là 44,6 độ C vào năm ngoái, theo Bangkok Post.
Thời tiết cực đoan cũng gây ảnh hưởng đến tình hình du lịch, đặc biệt khi Thái Lan luôn là điểm đến thu hút du khách ở mọi nơi trên thế giới.
Như Hồng Quân, dù đoán trước Thái Lan nắng nóng, nhưng nhiệt độ cảm nhận "ngoài sức tưởng tượng" với du khách này.
Trước chuyến đi, anh lên danh sách các điểm ăn uống được đánh giá tích cực. Nhưng suốt những ngày tại Bangkok, anh đều ăn nhanh tại các quán nhỏ trong hẻm và chợ địa phương vì không thể xếp hàng dưới thời tiết gay gắt.
"Ban đầu, tôi không nghĩ nắng đến mức này nên chỉ bôi kem chống nắng cho mặt. Những ngày cuối ở Thái Lan, da tôi bỏng đỏ. Sau khi về lại TP.HCM, da lại nổi mẩn như dị ứng và bắt đầu bong tróc", Quân nói.
Không riêng Hồng Quân, Lộc Trân (sống tại TP.HCM) cũng "oằn mình" với cái nóng đầu tháng 5 tại Khao Yai (tỉnh Nakhon Ratchasima).
Trân cho biết vì một đoạn video đẹp mắt trên TikTok, cô chốt vội vé máy bay đến Khao Yai khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình thời tiết. Đến nơi, cô mới cảm nhận được sự cơn nắng nóng khủng khiếp, cơ thể như bị "rút kiệt nước".
Dù lên kế hoạch kĩ càng cho chuyến đi 3 ngày 2 đêm, Lộc Trân chỉ check-in tại trang trại Jim Thompson, khu lưu trú Toscana Valley và ghé một quán cà phê vào buổi chiều. Buổi sáng và trưa, cô nằm trong khách sạn hưởng máy lạnh hoặc ngủ.
"Sang ngày thứ 2, tôi ngồi tàu 4 tiếng để về Bangkok vì không chịu được sự oi bức. Thời tiết thủ đô đỡ hơn Khao Yai nhưng vẫn rất nóng, tôi cũng không vui chơi được nhiều. Chuyến đi này là một bài học đáng nhớ", cô nói.
Quán cà phê thành điểm du lịch chính
Với nền nhiệt hơn 40 độ C, các quán cà phê là điểm đến "cứu cánh" cho lịch trình của nhiều du khách. Trong đó có Mai Thi (sống tại TP.HCM).
Đến thủ đô Bangkok vào ngày 23/4, nắng gắt khiến cô bất ngờ.
"Khách sạn tôi chọn nằm gần các điểm du lịch, nhưng đi bộ dưới ánh nắng làm tôi ra nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, đầu xây xẩm. Để không phí công đi, tôi cố trấn an bản thân rằng 'không nóng' nhưng cơ thể không gắng gượng được. Trong 3 ngày ở đây, quán cà phê trở thành nơi vui chơi chính của tôi", Mai Thi bộc bạch.
Casa Lapin Specialty Coffee, Artis Coffee, Hario Cafe và One Ounce for Onion là 4 quán cà phê cô thường đến. Tổng chi phí cho hạng mục này khoảng 730 baht (tương đương 500.000 đồng).
Cô cho biết: "Tôi không thể buông máy điều hòa trong thời tiết này. Buổi sáng, tôi ngồi quán cà phê để nghe nhạc, thư giãn. Đến trưa sẽ đi ăn, sau đó quay lại quán cũ gọi tiếp một ly nước hoặc chuyển sang quán mới. Buổi tối, trời dịu bớt tôi mới dám dạo phố và ăn uống tại các khu chợ đêm".
Tương tự, Nguyễn Ngọc Yến (sống tại TP.HCM) cũng "cắm rễ" tại các quán cà phê trong chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại thành phố Pattaya.
"Vì không có nhiều thời gian, khó xin nghỉ phép, tôi đành đi vào giữa tháng 4 - thời điểm nóng nhất trong năm ở Thái Lan. Sau ngày đầu tiên, lưng tôi hằn những vết bỏng đỏ, kem chống nắng bôi bao nhiêu cũng không đủ. Nếu tiếp tục đi ngoài trời, tình trạng da càng nặng nên tốt nhất là ngồi quán cà phê", cô nói.
Để hạn chế ra đường, Ngọc Yến ưu tiên quán cà phê có bán kèm đồ ăn sáng, trưa và chiều. Ngày thứ 2, cô ngồi cả ngày ở Boncafe, thỉnh thoảng ra trước quán để chụp ảnh. Đến ngày cuối cùng, cô chuyển sang Cafe Pitini.
"Thức ăn ở quán cà phê không thể ngon bằng quán địa phương, nhưng cũng đủ các món như cơm hải sản, salad, pad Thái, kem dừa… Lần sau đến Thái Lan, tôi sẽ chọn mùa mát mẻ hơn để thoải mái thưởng thức các món đặc trưng đã bỏ lỡ trong chuyến đi này", Ngọc Yến bày tỏ.