Chi phí quá cao khiến nhiều người Việt băn khoăn trong việc có nên đi hay không. Trước ngày World Cup khởi tranh, có người còn quyết định trả lại vé trận đấu vì chi phí phát sinh quá lớn.
Hốt hoảng vì chi phí phát sinh
Trần Đình Chiến (quê Tây Ninh) cho biết vừa trả lại vé trận tranh hạng 3 có giá 10 triệu đồng. Anh bị thu phí 5% khi trả lại vé. Chia sẻ với Zing, Chiến nói lý do chính phải trả vé là vì giá vé máy bay quá cao.
Cách đây vài tháng, anh có tìm vé máy bay đi Qatar và thấy giá rẻ nhất cũng đã 30 triệu đồng (nối chuyến 2 lần, có chuyến phải chờ 18 giờ ở sân bay). Do đó, thời gian bay đã ngót nghét hơn 30 giờ. Nếu muốn bay nhanh hơn, số tiền sẽ không dừng ở 30 triệu đồng.
Việc đặt phòng nghỉ cũng bị người này đánh giá là rườm rà. Ban tổ chức can thiệp khá nhiều vào chuyện đặt phòng trong khi giá các chỗ ở cũng không hề rẻ.
"Tôi tính sơ sơ vé máy bay khoảng 30 triệu đồng, vé một trận khoảng 10 triệu đồng, tiền phòng khách sạn 10 ngày cỡ 1.000 USD (khoảng 24,8 triệu đồng). Đó là chưa kể chi phí ăn uống, tham quan cũng đắt không kém", Chiến nói.
4 năm trước, Chiến có tới Nga để xem World Cup 2018. Anh đánh giá chi phí khi đó hợp lý hơn hẳn so với kỳ World Cup lần này tại Qatar. Khi đó, du khách Việt này chi 13 triệu đồng cho vé máy bay khứ hồi. Giá vé mỗi trận vào khoảng 105 USD (tùy hạng vé, trận đấu). Theo Chiến, giá vé trận đấu ở mức chấp nhận được.
Năm đó, Nga miễn visa cho cổ động viên có vé (khi mua vé sẽ được cấp FAN ID - tương tự thẻ Hayya năm nay). Khi có FAN ID, ngoài chính sách miễn visa, các cổ động viên còn được miễn vé tàu khứ hồi tới và rời thành phố diễn ra trận đấu, giảm giá vé tham quan...
Không những vậy, chi phí lưu trú ở Nga cũng rẻ hơn hẳn so với Qatar. Chiến không cần thuê phòng khách sạn. Anh ở nhà người dân địa phương thông qua ứng dụng CouchSurfing nên chi phí lưu trú coi như bằng 0.
"Tôi có một chỗ ở tốt trong căn hộ cao cấp tại trung tâm Moscow. Bạn chủ nhà còn giao luôn chìa khóa cho mình. Tại Saint Petersburg, tôi ở cùng một gia đình lớn tuổi. Họ còn nấu đồ ăn sáng, tối miễn phí cho tôi. Tổng chi phí năm đó tính ra chỉ khoảng 25 triệu đồng", anh kể.
Đắt nhưng cố đi
Theo khảo sát của Zing, lượng khách Việt tới Qatar xem World Cup không quá đông. Bản thân nhiều công ty du lịch lớn cũng không mặn mà tổ chức tour do chi phí quá cao. Một số công ty nhỏ lại cung cấp các dịch vụ lẻ như đặt vé máy bay, vé xem trận đấu, phòng khách sạn để kiếm thêm chút đỉnh.
Chi phí cao khiến chỉ có số ít khách lẻ đủ điều kiện mới có thể chi trả cho chuyến đi. Trao đổi với Zing, Phạm Hồng Nhung (sống tại Hà Nội) cho biết mình từng đi World Cup 2018 ở Nga. Cô cũng đã mua vé một số trận đấu ở Euro 2020 nhưng phải trả lại do vấn đề dịch bệnh. Đánh giá về giá vé xem trận đấu ở World Cup năm nay, Nhung nói số tiền cần chi vẫn ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, các chi phí khác thực sự đắt hơn hàng năm, tiêu biểu là vé máy bay. Không chỉ có giá cao hơn, các cổ động viên cũng có rất ít lựa chọn chuyến bay. Về chi phí lưu trú, cổ động viên đến từ Hà Nội có tham khảo loại hình lều và làng cổ động viên. Mức giá cũng rơi vào khoảng 200 USD/đêm chứ không hề rẻ.
"Khách sạn 4, 5 sao thực sự giá trên trời luôn. Tôi chưa sang nên chưa thể đánh giá cụ thể các chi phí phát sinh khác như di chuyển, ăn uống... Hiện tại, tôi mới mua được vé xem một trận cho 3 người trong nhà. Gia đình vẫn tính mua thêm vé một trận nữa, chắc sẽ phải qua chợ đen", cô nói.
Nhu cầu về phòng ở cho dịp World Cup 2022 đang rất cao. Theo Metro, nhiều khách sạn đã bán sạch phòng. Số khác niêm yết giá khoảng 3.200 USD/đêm khiến các fan bóng đá đau đầu tìm chỗ ở.
Thực tế, một số ít khách sạn xa hoa cũng còn phòng như Bentley Luxury Hotel and Suites. Tuy nhiên, mức giá thuê đã tăng lên chóng mặt. Một phòng có sẵn tại đây ngày 25/10 có giá hơn 100 USD/đêm. Trong thời gian diễn ra giải đấu, du khách phải trả 2.700 USD/đêm.
Càng về những trận đấu cuối, giá phòng tiếp tục "leo thang". Nếu người hâm mộ dự định ở lại Holiday Villa Hotel và Residence City Centre Doha trong 7 đêm (từ ngày 30/11 đến 7/12), họ sẽ phải trả tới 21.000 USD.
Chính phủ nước chủ nhà ho biết họ có kế hoạch tăng cường số lượng chỗ ở. Người hâm mộ có thể thuê phòng ở chung trong các căn hộ trống, biệt thự hay lều kiểu truyền thống trên sa mạc.
Theo Metro, 2 tàu du lịch ở Doha cũng có thể được chuyển đổi thành khách sạn nổi. Nó sẽ được neo đậu tại cảng Doha suốt thời gian diễn ra giải. Nhờ đó, Qatar có thể tăng cường thêm 70.000 phòng.