Anh Hồng Dương (29 tuổi, TP.HCM) đã mua tour đi Nhật vào dịp nghỉ lễ 30/4 có giá khoảng 27 triệu đồng. Tour anh mua có chuyến bay charter đến Fukushima, sau đó đi thăm thú nhiều địa điểm như Tokyo, Tochigi...
"Chuyến đi kéo dài 5 ngày rất vừa vặn với kỳ nghỉ lễ lại trùng với mùa hoa anh đào ở Nhật. Vì vậy, tôi quyết định mua tour sớm để hoàn tất thủ tục visa là có thể yên tâm lên đường, tận hưởng kỳ nghỉ", anh Dương nói với Zing.
'Đắt nhưng đáng'
Theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), trong 2 tháng đầu năm, số lượng du khách Việt Nam đến Nhật Bản đã vượt mức so với thời điểm trước dịch Covid-19. Cụ thể, đã có 107.300 lượt người Việt đến đây, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2019 (74.752 lượt người).
Tháng 3 và tháng 4 hàng năm là thời điểm Nhật Bản đón nhiều khách quốc tế với mục đích ngắm hoa anh đào. Mùa hoa anh đào năm nay còn đặc biệt hơn bởi đây là mốc đánh dấu sự trở lại sau 3 năm đóng cửa vì dịch Covid-19.
Theo dữ liệu của Agoda.com, 2 thành phố Nhật Bản là Tokyo và Osaka cũng nằm trong top 5 địa điểm được người Việt quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất trong thời điểm lễ 30/4 năm nay. Tương tự, dữ liệu từ Booking.com chỉ ra Tokyo nằm trong top 3 thành phố được du khách Việt lựa chọn nhiều nhất khi du lịch nước ngoài dịp 30/4.
Travel blogger Lý Thành Cơ từng có 8 lần du lịch Nhật Bản nhưng vẫn luôn tìm thấy niềm vui, sự yêu thích trong văn hóa và khung cảnh thiên nhiên ở đất nước này.
Anh cho biết tùy lịch trình và thời gian thăm thú, du khách phải chi trả từ 30 đến 70 triệu đồng cho một chuyến đi Nhật Bản bao gồm vé máy bay hơn 10 triệu đồng, khách sạn từ 1,5 triệu đồng/đêm, chi phí đi lại 5-7 triệu đồng, ăn uống khoảng 1 triệu đồng/ngày.
"Mức giá này khá đắt đỏ nhưng các trải nghiệm như trượt tuyết, tắm onsen, đi các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật đều rất đáng tiền. Ngoài ra, Nhật Bản không có văn hóa tips như Mỹ nên cũng tiết kiệm chi phí", Thành Cơ nói với Zing.
Anh nói thêm du khách cần tìm hiểu một số văn hóa của người Nhật khi đi du lịch như không to tiếng ở nơi công cộng, xếp hàng, đúng giờ khi có lịch hẹn... để tránh cảm giác bỡ ngỡ.
Chị Hanah Nguyễn - một du khách đã đi Nhật Bản vào tháng 3 - cho biết đã chi trả khoảng 8 triệu đồng/đêm cho khách sạn chỉ rộng khoảng 30 m2 ở Nhật và khoảng 2-3 triệu đồng/bữa ăn cho gia đình 3 người. Tuy nhiên, chị thấy mức chi phí này hợp lý với chất lượng dịch vụ và mức sống tại một thành phố như Tokyo.
Giá tour tăng dịp lễ
Theo ghi nhận của Zing, tour đi Nhật Bản của các công ty lữ hành vào dịp 30/4 cũng rất đa dạng với nhiều lựa chọn, mức giá dao động từ 26 đến 50 triệu đồng tùy lịch trình từ Vietravel, Saigon Tourist, Best Price...
Theo đại diện Vietravel, kể từ khi Nhật Bản mở cửa du lịch trở lại, công ty đã phục vụ hơn 5.000 khách đến xứ sở "mặt trời mọc". Giá tour đi Nhật vào ngày lễ thường tăng 15-20% so với ngày thường vì chi phí dịch vụ tăng cao. Tuy nhiên so với thời điểm năm 2019, giá tour chỉ tăng nhẹ không đáng kể nhờ công ty nhận được các ưu đãi từ phía đối tác Nhật như hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng...
Chia sẻ với Zing, ông Yoshida Kenji - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam cho biết Nhật Bản cũng chuẩn bị đón kỳ nghỉ dài Tuần lễ Vàng (golden week), du lịch cũng sẽ nở rộ trên khắp toàn quốc vào tháng 4.
Về chi phí vé máy bay và khách sạn, vị này cho biết do trùng với kỳ nghỉ lễ của Nhật Bản và mùa cao điểm về du lịch nên các khách sạn và nhà xe sẽ áp dụng giá vé đặc biệt của mùa cao điểm. Giá tour vì thế có thể sẽ cao hơn ngày thường.
"Tôi nghĩ việc tăng giá này không tốt với người tiêu dùng nhưng sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch. Điều quan trọng là chúng tôi cung cấp được dịch vụ du lịch xứng đáng với giá cả. Dịch vụ tốt là điều tiên quyết khiến khách du lịch quay trở lại với Nhật Bản", ông Yoshida Kenji nói.
Hiện, khách đi Nhật Bản cần có visa cùng với chứng nhận đã tiêm đủ 3 mũi vaccine. Tuy nhiên, một số công ty du lịch cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc xin visa đoàn cho khách đi theo tour, thời gian chờ duyệt visa lâu hơn và thay đổi một vài điều kiện chứng minh tài chính.
Cụ thể, phía Nhật Bản yêu cầu chứng minh tài chính khi xin visa Nhật là sổ tiết kiệm phải có kỳ hạn ít nhất 3 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ hoặc sao kê tài khoản trả lương trong vòng 6 tháng.
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup cho biết nhiều người có tài chính nhưng không gửi tiết kiệm nên gặp khó khi xin visa du lịch Nhật. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị phía Nhật Bản có nhiều phương án chứng minh tài chính hơn để rộng cửa cho khách Việt.