Ngày 9/12, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Khánh Hòa, đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) Trần Hòa Nam về giải pháp xử lý loạt dự trên địa bàn chậm tiến độ hoặc không thực hiện triển khai, lãng phí tài nguyên đất đai, thiệt hại kinh tế, xã hội.
Ông Trần Hòa Nam cho biết trong năm 2022, Sở KH&ĐT đã cho rà soát các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn, trong đó chú trọng những dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai từ 2 đến 5 năm và từ 5 đến 10 năm.
Kết quả thống kê của Sở KH&ĐT Khánh Hòa có đến 111 dự án nằm trong 2 tiêu chí trên, trong đó TP Nha Trang có tới 40 dự án.
Về giải pháp, ông Nam cho biết trong 111 dự án nói trên, Sở KH&ĐT chia thành ba nhóm, gồm: Nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi có 12 dự án (có 7 dự án thuộc địa bàn TP Nha Trang); nhóm dự án có vướng mắc liên quan quy hoạch, mật độ xây dựng, các thủ tục đầu tư, xây dựng có 28 dự án (trong đó 15 dự án ở TP Nha Trang) và 71 dự án còn lại Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra về quy hoạch, tình hình triển khai, nguyên nhân chậm tiến độ, lỗi vi phạm của nhà đầu tư….
“Với nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi (12 dự án) sở đã yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án, đồng thời đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 8 dự án về hành vi vi phạm chậm tiến độ. Sở KH&ĐT đã lấy ý kiến của sở, ban, ngành, địa phương liên quan và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động 3 dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án sau khi có quyết định thu hồi đất”, ông Nam nói.
Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT Khánh Hòa thời gian tới đơn vị này sẽ lấy ý kiến của sở, ban, ngành, địa phương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo hướng giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, mật độ xây dựng, thủ tục đầu tư, xây dựng... Sở KH&ĐT sẽ kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu dự án đó không đủ điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện.
Vị giám đốc sở cũng cho biết để hoàn tất thu hồi một dự án có sai phạm, chậm tiến độ hiện gặp nhiều khó khăn vì phải đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.
“Sau thời gian tạm ngừng hoạt động mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động, Sở KH&ĐT sẽ mời họ lên đối thoại, lập biên bản làm việc, sau đó báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chủ trương về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án”, ông Nam giải thích.