Vay ngân hàng vẫn được xem là kênh huy động truyền thống nhưng hiện có dấu hiệu cạn cung, thị trường vốn nhờ đó đã nở rộ sang một số kênh chính thống khác như chứng khoán và trái phiếu.
Dù vậy, những biến động về chính sách đang dẫn đến nguồn cung vốn chính thống dần cạn kiệt, buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm phương án vay vốn từ các bên thứ ba như công ty mẹ, ban lãnh đạo hay cả từ những doanh nghiệp khác.
Lãnh đạo cấp tín chấp
Báo cáo tài chính mới công bố của FLC Group ghi nhận một sự thay đổi quan trọng về cấu trúc nợ vay của tập đoàn này, theo chiều hướng giảm vay nợ ngân hàng và tăng vay tín chấp bên thứ ba.
Cụ thể, FLC đã thực hiện tất toán toàn bộ số dư nợ vay 573 tỷ đồng tại Ngân hàng OCB, trả hết tổng cộng hơn 1.900 tỷ đồng nợ vay tại Sacombank.
Trong khi đó, tập đoàn đa ngành này lại tìm được vốn mới khi vay ròng 621 tỷ đồng từ thành viên Hội đồng quản trị Lê Thái Sâm. Đây hoàn toàn là khoản vay tín chấp ngắn hạn chịu lãi suất 7%/năm.
Bên cạnh đó, công ty cũng vay mới hơn 185 tỷ đồng từ Tập đoàn Homeliday (thuộc BHS Group) cũng theo hợp đồng tín chấp, chịu lãi suất 12%/năm để bổ sung vốn lưu động.
Giảm vốn ngân hàng nhưng nguồn huy động từ lãnh đạo giúp FLC nhanh chóng bổ sung được vốn lưu động và còn thanh toán các hợp đồng cho công ty con FLC Faros.
Hay Quốc Cường Gia Lai (QCG) nổi tiếng với việc vay mượn tiền từ các nhân sự cấp cao. Tổng giá trị mượn tiền đến cuối quý là 955 tỷ đồng, trong đó mượn các cá nhân gần 530 tỷ và mượn các tổ chức 425 tỷ.
Thời điểm cuối năm ngoái, công ty chỉ mượn tiền các cá nhân liên quan 252 tỷ đồng, như vậy nguồn vốn từ mượn bên liên quan tăng hơn 700 tỷ đồng trong nửa năm qua.
Các khoản tiền đáng chú ý như công ty liên quan BĐS Hiệp Phước cho mượn 272 tỷ, công ty Nhà Phạm Gia gần 153 tỷ, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cho mượn 89 tỷ hay chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà là 35 tỷ đồng.
Bên cạnh vay từ bên liên quan thì một số doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang đi vay từ các công ty khác. Chẳng hạn, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đã vay mới 150 tỷ đồng từ đại gia bán lẻ Thế Giới Di Động với mức lãi suất đi vay 8-8,2%/năm.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn đẩy mạnh vay trái phiếu từ mức 2.000 tỷ lên trên 2.746 tỷ đồng vào cuối quý II, đều phải trả mức lãi suất đến 9,2%/năm.
Công ty nông nghiệp HAGL Agrico cũng cắt giảm vay nợ ngân hàng và tìm hướng vay các bên liên quan. Trong đó, khoản vay từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn duy trì con số trên 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là HAGL Agrico đẩy mạnh vay thêm Thagrico lên tổng cộng 1.072 tỷ đồng, tức vay thêm 573 tỷ so với thời điểm đầu năm. Số tiền lãi vay đã trả cho Thagrico là hơn 21 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Khó tiếp cận các kênh lớn
Các doanh nghiệp phải xoay dòng vốn sang các kênh huy động nhỏ hơn là do chịu tác động không nhỏ từ khó tiếp cận thêm nguồn vốn ngân hàng, thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn khó khăn và trái phiếu doanh nghiệp chững lại rất mạnh.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 20/7 đã đạt 9,27%. Đây là con số rất cao nếu so sánh với mức 6,47% trong gần 7 tháng đầu năm 2021.
Nhiều ngân hàng đang rơi vào tình trạng cạn ''room'' tín dụng đã được tạm cấp. Đơn cử, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng tới 14,6% trong nửa đầu năm, vượt xa so với hạn mức 10% tạm cấp.
Hay tín dụng cho vay tại MBBank đã đạt 14,25% trong 6 tháng hoạt động, xấp xỉ mức trần tín dụng 15%. Số dư cho vay này của BIDV đã tăng 9,8% so với đầu năm so với mức được tạm cấp là 10%.
Lãnh đạo nhiều nhà băng lớn đang đồng loạt xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để có thêm dư địa cho vay về nửa cuối năm, bởi nhu cầu vốn thực tế của khách hàng vẫn ở mức cao mà ngân hàng khó đáp ứng được.
Trong bối cảnh việc gần hết “room” tín dụng đã ảnh hưởng tới hoạt động cho vay, quan điểm của NHNN đưa ra gần đây vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Cơ quan quản lý vẫn chưa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng.
Với kênh huy động từ chứng khoán, trong giai đoạn hút được tiền rẻ thì các doanh nghiệp rất tích cực tăng vốn. Tuy nhiên, thị trường biến động xấu trong quý II đã làm chững lại các hoạt động gọi vốn, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải hủy bỏ các phương án phát hành cổ phiếu.
Còn tại kênh trái phiếu, sau sự kiện thanh lọc thị trường thì sức nóng cũng đã hạ nhiệt đi khá nhiều. Tổng giá trị phát hành trong nửa đầu năm đạt 257.857 tỷ đồng, chỉ còn tăng 21% so với cùng kỳ (so với mức tăng bình quân 46%/năm trước đó)
Bộ Tài chính còn lo ngại về áp lực 144.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay, trong đó có 62.470 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Cơ quan quản lý lưu ý khối lượng trái phiếu đến hạn trả nợ này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo lên 271.400 tỷ đồng vào năm 2023 và 329.500 tỷ đồng vào năm 2024, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp.