Nỗi sợ thất bại gần như là bản năng của con người. Tham gia bài kiểm tra khắc nghiệt, nộp đơn xin việc hay thậm chí phải lòng một ai đó đều dễ dàng khiến bạn rơi vào trạng thái lo lắng và hoảng loạn.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ đến nỗi sợ thành công chưa?
Thực tế, những suy nghĩ và lo ngại đạt được tham vọng có sức ảnh hưởng tương đương khi bạn thất bại hoàn toàn.
Theo chuyên gia tâm lý Dimitrios Tsatiris, thành công đem đến sự thay đổi. Điều này làm gia tăng lo âu vì con người thường thoải mái hơn với những gì đã quen thuộc với họ.
Phần lớn chúng ta do dự khám phá những điều mới lạ ngay cả khi đó là quyết định có lợi nhất lúc bấy giờ.
Dưới đây, Refinery29 tổng hợp phân tích từ nhiều chuyên gia về nỗi sợ thành công giúp bạn tận hưởng thành quả làm việc của mình và nhanh chóng về lại nhịp sống mong muốn.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên do khiến một người mang nỗi sợ thành công. Tsatiris cho hay một trong số đó là sự lo lắng tăng cao khi trong hành trình theo đuổi mục tiêu bất kỳ.
Điều này có xu hướng trở nên tệ hơn khi bạn phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm mới. Theo đó, vì nỗi sợ “trèo cao ngã đau”, bạn luôn đẩy bản thân vào trạng thái tỉ mẩn và xét nét.
Bên cạnh đó, Elyssa Desai, huấn luyện viên đời sống, bổ sung rằng bạn cũng có thể vô thức e sợ là mình trung tâm của sự chú ý. Bạn ngần ngại với việc cuộc sống trở nên phức tạp hơn trước cũng như các mối quan hệ xung quanh bị ảnh hưởng.
Chưa kể, nỗi nghi ngờ mình không xứng đáng nhận được những thành quả tốt đẹp cũng là một yếu tố hình thành nên nỗi sợ thành công.
Suy nghĩ này dần dà bồi đắp sự mâu thuẫn đáng kể trong nội tâm mỗi người. Một phần bạn muốn trở nên thành đạt, phần còn lại ngăn cản bạn đạt được những mong ước của bản thân.
Tác động bất ngờ
Nỗi sợ thành công có thể khiến bạn tự hủy hoại bản thân mình. Việc bạn liên tục mong muốn có được thành tựu, nhưng lại sợ hãi đạt được chúng về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực biểu hiện ở chính hành vi của bạn.
Dasai chỉ ra rằng sự trì hoãn, thiếu mục tiêu hay bỏ cuộc sớm là một trong nhiều đặc điểm tiêu biểu của lo âu về thành đạt.
Dù nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực, nhiều người lại không cho rằng họ đang sợ hãi thành công. Điều này bắt nguồn từ việc họ không thường xuyên được bàn luận về việc e ngại điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Chưa kể, tâm lý tích cực độc hại là một điều không quá xa lạ trong môi trường công việc.
Mỗi khi căng thẳng vì phải làm việc cường độ cao ở vị trí mới, bạn có thể được bảo hãy nên cảm thấy biết ơn là bạn còn có việc để làm. Hay khi bạn lo lắng trước thềm kết hôn, nhưng nhiều người lại trách móc vì bạn trước đó đã luôn mong muốn có được bạn đời ưng ý.
Tất cả đều là nhân tố góp phần khiến bạn cảm thấy có lỗi khi không cảm nhận được điều tích cực trong cuộc sống. Từ đó, bạn trở nên căng thẳng và sợ sệt mỗi khi đạt được một thành tích gì đó.
Làm sao vượt qua?
Nỗi sợ thành công có thể được khắc phục. Để làm được điều đó, trước hết bạn nên học cách yêu thương và thông cảm bản thân nhiều hơn. Theo đó, bạn mới dần nhận ra được lo lắng không hẳn là một điều xấu.
Đào sâu vào khám phá những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về thành công là một phương pháp hữu hiệu khác giúp bạn đối phó với nỗi sợ.
Dưới đây, Desai liệt kê một số câu hỏi gợi mở giúp bạn nhanh chóng gỡ rối những suy nghĩ của mình.
- Sự thành công và những người thành đạt trong cuộc đời của bạn được mô tả như thế nào?
- Bạn có cảm thấy bố mẹ hay những người lớn quan trọng khác với bạn thành công không?
- Khi còn nhỏ, thành công có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?
- Lúc nhỏ, những người bạn cho là thành công có dáng vẻ như thế nào? Họ hạnh phúc, buồn bã, căng thẳng hay xấu tính?
- Hiện tại, bạn nhận định thành công là gì?
- Nếu bạn đã đạt được mọi tham vọng, điều này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống cá nhân/bạn bè/công việc/mối quan hệ xung quanh?
- Điều gì cản trở bạn đạt được mục tiêu của mình? Ai đã tạo ra những chướng ngại đó hay nói cách khác khó khăn đó bắt nguồn từ đâu?
- Hoàn thành các nguyện vọng đặt ra tác động tích cực như thế nào đến cuộc sống của bạn?
- Việc đạt được các mục tiêu có những ảnh hưởng tiêu cực gì? Bạn hãy dành thêm thời gian suy ngẫm trả lời câu hỏi này. Chúng thực sự có tác động xấu hay bạn chỉ đang tự huyễn hoặc bản thân. Những suy nghĩ tiêu cực có thể không sát thực, vậy nên bạn hãy cố gắng nhớ lại những lần bạn lo lắng nhưng thực tế lại không có chuyện gì tệ xảy ra.
Cuối cùng, thoải mái khi nghĩ về thành công là điều tiên quyết.
Theo đó, bạn có thể cho phép bản thân thư giãn và dành 5 phút mường tượng về tương lai tốt đẹp. Bạn hãy cố gắng hình dung chi tiết nhất có thể.
Tiếp đó, tập trung suy nghĩ và tự nhắc nhở mình xứng đáng với thành công sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua những nỗi sợ tiêu cực.