Khách mua ép giá người bán
Dở khóc, dở cười khi kể về câu chuyện của mình, anh D, một môi giới nhà đất khu Đông Tp.HCM cho biết: Có trường hợp, môi giới đành phải “bỏ khách” đi tìm khách mới cho mảnh đất, căn nhà vì mức trả giá “trên trời”.
Anh D cho hay, khoảng đầu tháng 5/2023, anh nhận rao bán căn nhà riêng lẻ diện tích gần 100m2 (diện tích sàn gần 300m2) tại P.Trường Thạnh, quận 9 (nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho một nhà đầu tư với giá 6,3 tỉ đồng. Đây là mức giá đã giảm 700 triệu đồng so với căn bên cùng diện tích bên cạnh. Sau 3 tuần đăng tin, nhờ anh em môi giới hợp tác bán cùng, có một khách là người quận 7 gọi điện đi xem nhà.
Người này tỏ ra ưng ý vị trí cũng như kết cấu căn nhà. Anh D cùng một môi giới khác hi vọng nhà đầu tư này sẽ chốt nhanh vì căn nhà khá đẹp, lại gần đường lớn, cư dân đông đúc. Thế nhưng, sau đó khoảng 4 ngày, nhà đầu tư gọi điện cho anh D nhờ trả giá căn nhà xuống còn 3.2 tỉ đồng sẽ chuyển cọc ngay. “Em làm sao trả giá còn 3.2 tỉ đồng cho anh nhé!”, nhà đầu tư này gọi điện cho anh D.
“Lúc đó, tôi khá sốc, và dĩ nhiên tôi sẽ không gọi cho chủ nhà để trả với mức giá đó. Tôi đành ngậm ngùi đi tìm khách mới cho căn nhà”, anh D chia sẻ.
Trường hợp anh Th, môi giới đất nền quận 9 cũng “khóc thét” khi mảnh đất vườn 202m2 tại P.Long Phước rao bán với giá 3,5 tỉ đồng. Đây là giá chủ đất muốn bán nhanh nên đã giảm 400 triệu đồng so với giá thị trường chung. Tuy nhiên, anh Th kể, một nhà đầu tư phía Bắc gọi điện vào nhờ anh trả xuống còn 2 tỉ đồng sẽ bay vào cọc. Tuy nhiên, anh Th đành nói khéo để từ chối khách đầu tư này vì chắc chắn chủ đất sẽ không bao giờ đồng ý bán với mức giá đó. Được biết, đây là mảnh đất nhà đầu tư mua vào cuối năm 2021 với giá 3 tỉ đồng.
Thêm một trường hợp trả giá thấp với mức giảm tới 60-70% giá trị căn nhà mà theo một môi giới nhà đất (giấu tên), nếu gặp chủ đất có thể hai bên đã xảy ra cãi vã. Cụ thể, do bí dòng tiền, một nhà đầu tư đã rao bán căn nhà phố trong khu đô thị thuộc quận 9 với giá 11 tỉ đồng. Sau khoảng 2 tuần rao bán, có nhà đầu tư liên hệ môi giới nhờ trả giá xuống 4 tỉ đồng. “Lúc đó, nhà đầu tư này còn nói thêm: Nếu không bán giá đó có khi còn giảm sâu nữa, nên em trả giá giúp anh”, môi giới này cho biết.
Theo các môi giới, việc trả giá “thuận mua vừa bán” là điều bình thường diễn ra trên thị trường bất động sản. Nhưng hiện nay, có những trường hợp trả giá rất vô lý. Ngay cả khi họ biết chủ nhà sẽ không bao giờ bán với giá đó nhưng vẫn cố nhờ môi giới trả giá. Không phải trường hợp nào môi giới cũng “chuyển lời” đến người bán bởi có thể vì tức giận mà chủ nhà sẽ không bao giờ gửi hàng cho môi giới bán nữa.
Có không ít trường hợp vì người mua liên tục trả giá khiến môi giới “mắc kẹt” giữa hai bên. Thậm chí, mất lòng với chủ nhà, mất khách đầu tư và không thể đi đến giao dịch.
Số lượng người bán kẹt tiền hoặc lâm nợ tăng dần
Dù đã cắt lỗ 20-30% giá trị tài sản, nhiều người bán vẫn bị ép giá thêm 30-40%, thậm chí 50-70%. Không ít người sốc nặng và giữ tài sản, chờ thêm thị trường. Số ít còn lại chấp nhận bán với giá giảm sâu.
Diễn biến tình hình hiện tại khác hẳn so với giai đoạn trước năm 2022. Trước đây khi dịch Covid-19 diễn ra, thị trường bất động sản rất hiếm trường hợp giá giảm sâu hoặc người mua vào ép giá bên bán “rát” như hiện tại. Có chăng, một vài trường hợp giảm lời khoảng 10-15% để thu dòng tiền. Hiện, mức độ cắt lỗ diễn biến tăng dần ở các nhà đầu tư. Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm, sở hữu nhiều bất động sản cũng bắt đầu thấm dần sự khó khăn vì thiếu tiền mặt. Họ bắt đầu cơ cấu danh mục đầu tư, cắt lỗ một số tài sản để gồng các tài sản còn lại.
Có thể thấy, từ năm 2019 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản nhiều nơi diễn biến sôi động. Thời điểm đó, không ít người bỏ tiền vào bất động sản và chỉ sau một thời gian rất ngắn "lướt sóng" đã có thể thu lời hàng trăm triệu đồng, thậm chí những người vốn lớn có thể nhanh chóng lãi hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến giữa năm ngoái, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và duy trì sự ảm đạm tới nay. Trong đó, thanh khoản liên tục sụt giảm khiến không ít người bán muốn thu tiền về phải chấp nhận giảm giá sâu. Không ít người lâm nợ trên đống tài sản.