Trên một bức tường tại Manhattan cách không xa quảng trường thời đại là một chiếc đồng hồ khổng lồ đo lường số nợ của nước Mỹ. Có điều con số này đang ở mức đáng báo động khi tăng chóng mặt từ 3 nghìn tỷ USD năm 1989 lên hơn 31 nghìn tỷ USD hiện nay.
Điều trớ trêu hơn nữa là sau nhiều năm gia tăng số nợ nhưng nền kinh tế vẫn vượt qua được các chu kỳ khủng hoảng, người dân cũng dần quên mất chiếc đồng hồ này cho đến gần đây khi những con số dần chạm ngưỡng trần nợ.
Nghị viện Mỹ đã đặt ra ngưỡng trần nợ này để khiến chính phủ hoạt động có trách nhiệm hơn trong vấn đề chi tiêu, từ những khoản liên quan đến bảo hiểm y tế cho đến các nguồn tiền đầu tư quốc phòng. Hiện mức trần nợ của Mỹ được ấn định ở 117% GDP, tương đương 31,4 nghìn tỷ USD và sắp bị vượt qua.
Vào ngày 1/5/2023 vừa qua, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo lại một lần nữa rằng nền kinh tế số 1 thế giới đang sắp hết tiền mặt dự trữ và có khả năng cạn ngân sách vào đầu tháng 6/2023.
Nếu kịch bản này diễn ra, Mỹ buộc phải cắt giảm hàng loạt chi tiêu, tạm dừng nhiều dịch vụ công để có tiền tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi Nghị viện nới lỏng trần nợ, bằng không nền kinh tế số 1 thế giới sẽ chính thức vỡ nợ kỹ thuật.
Tuy nhiên theo tờ The Economist, dù là trường hợp nào thì cũng là một thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu. Bỏ qua chuyện Mỹ vỡ nợ với hậu quả quá rõ ràng cho hệ thống tài chính, việc chính quyền Washington phải tạm dừng nhiều dịch vụ công sẽ càng khiến thách thức suy thoái cận kề hơn.
Thậm chí ngay cả khi Nghị viện Mỹ nới trần nợ công thì cũng chỉ là giải pháp uống thuốc độc giải khát khi các con số vẫn cứ ngày một tăng lên. Mức trần nợ này theo Economist mang tính chính trị nhiều hơn là một chỉ số có ảnh hưởng thực tế đến nền kinh tế.
Một số chính trị gia như nghị sĩ Kevin McCarthy đã đệ trình việc cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu trong 10 năm tới cho các dự án chống biến đổi khí hậu để giảm áp lực nợ công năm 2024. Thế nhưng như đã nói, câu chuyện trần nợ, ngân sách mang hơi hướng chính trị và lợi ích nhiều hơn là các yếu tố cơ bản của nền kinh tế nên mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán và trao đổi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời lãnh đạo cả Đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đến họp ở Nhà Trắng ngày 9/5 để bàn phương án giải quyết.
100 nghìn tỷ USD
Trong hơn nửa thế kỷ qua, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ thường ở vào khoảng bình quân 3,5% GDP mỗi năm. Tuy nhiên theo báo cáo tháng 2/2023 của Văn phòng ngân sách nghị viện (CBO), con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1% trong 10 năm tới.
Dẫu vậy, Economist cho rằng con số này thậm chí vẫn là quá thấp bởi CBO chưa tính đến khả năng kinh tế suy thoái. Sau đại dịch Covid-19, nỗi lo suy thoái sẽ khiến tiền thu thuế giảm vì người dân hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp giảm đầu tư và thất nghiệp gia tăng khi các công ty tiết kiệm chi phí nhân lực.
Thậm chí chính CBO cũng gặp khó khăn khi dự đoán dựa trên những chương trình của chính phủ. Theo kế hoạch, các gói ngân sách hỗ trợ xe điện, năng lượng xanh sẽ tốn khoản 400 tỷ USD trong 10 năm tới. Điều trớ trêu là rất nhiều khoản hỗ trợ lại nằm dưới dạng ưu đãi thuế không giới hạn và theo Goldman Sachs, chúng có thể khiến ngân sách tốn tới 1,2 nghìn tỷ USD so với kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, CBO mới chỉ dự đoán tỷ lệ thâm hụt dựa trên luật hiện hành. Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ban hành một loạt điều chỉnh cắt giảm thuế có hiệu lực đến năm 2025. Điều này có nghĩa là CBO sẽ phải tính toán đến những điều chỉnh thuế mới sau thời hạn đó.
Tờ The Economist nhận định nếu tính thêm những khoản hỗ trợ thừa ra từ ưu đãi thuế cũng như yếu tố hết hạn giảm thuế vào năm 2025 thì con số thâm hụt ngân sách thực tế có thể lên đến 7% trong 10 năm tới và đạt 8% vào đầu thập niên 2030.
Với đà tăng nợ công như hiện nay, CBO dự đoán tổng nợ liên bang Mỹ có thể tăng gấp đôi lên 250% GDP vào giữa thế kỷ này. Điều này có nghĩa là chiếc đồng hồ nợ tại Manhattan sẽ phải gia tăng thêm 2 con số nữa mới đủ chỗ khi nợ quốc gia vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ USD.
*Nguồn: Economist