9 tháng sau khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ, nước Anh đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kéo dài do giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng.
Còn tại Pháp, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng 8 cảnh báo rằng kỷ nguyên "dư thừa" đã kết thúc, nước này đã chứng kiến tình trạng thiếu nhiên liệu và người dân xếp hàng dài tại các trạm xăng trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, chính phủ Đức đã quyết định thanh toán hóa đơn năng lượng cho tất cả người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 12.
Khi châu Âu và các khu vực khác thuộc Bắc bán cầu chuẩn bị bước vào một mùa đông khó khăn, một câu hỏi quan trọng đã được đặt ra: Khi nào giá dầu khí sẽ trở lại mức trước cuộc xung đột quân sự?
Hãng tin Al Jazeera đã tham khảo ý kiến của các nhà phân tích và kinh tế học trong lĩnh vực năng lượng, và nhận được câu trả lời rằng giá dầu khí sẽ không thể trở về mức như trước cuộc xung đột ít nhất là trong hai năm tới.
Chúng ta vẫn có một số tin tốt: Giá khí đốt và xăng dầu đã giảm so với mức đỉnh trong năm nay.
Giá khí đốt của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF) - giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu - hiện ở mức khoảng 148 USD/MWh (số liệu ngày 11/12), giảm mạnh so với mức đỉnh 338 USD/MWh được ghi nhận vào cuối tháng 8.
Giá dầu Brent - giá dầu thô tiêu chuẩn - cũng đã giảm mạnh trong những ngày gần đây, từ mức đỉnh gần 128 USD/thùng vào đầu tháng 8 xuống còn 76 USD/thùng vào ngày 11/12.
Tin xấu là giá khí đốt ở thời điểm hiện tại vẫn đắt hơn gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 1 năm nay. Và các chuyên gia nhận định rằng mức giá hiện tại sẽ khó có thể giảm sâu hơn nữa.
Theo ông Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại hãng dịch vụ thông tin hàng hóa ICIS, "thực tế là chúng ta chắc chắn sẽ thấy giá [khí đốt] tăng trở lại. Các yếu tố giúp giá xăng giảm trong năm 2022 khả năng sẽ không còn tiếp tục trong năm 2023."
Giá dầu thô giảm mạnh do G7 áp mức giá trần đối với giá dầu thô của Nga được các tàu do phương Tây bảo hiểm vận chuyển, cũng được dự kiến sẽ không kéo dài. Dự kiến giá dầu sẽ tăng lên trung bình 92 USD/thùng vào năm 2023, cao hơn 30% so với mức trung bình của năm 2021.
Sau đây là những lí do khiến các nhà phân tích và chuyên gia đưa ra nhận định như trên.
Kho dự trữ đầy... nhưng chỉ là tạm thời
Do lo sợ Nga có thể cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu, "lục địa già" đã gấp rút mua và tích trữ nhiều khí đốt nhất có thể trong vài tuần qua. Đến tháng 11, EU đã lấp đầy 95% kho dự trữ của mình, vượt mục tiêu 85% đặt ra cho cuối năm.
Trong khi đó, châu Âu đã trải qua một mùa thu ấm áp khác thường, khiến nhu cầu sưởi ấm trong nhà và văn phòng giảm xuống, theo ông Marzec-Manser. Nhà phân tích này cũng cho biết một phần nguyên nhân cũng có thể là do giá cao khiến mọi người sử dụng năng lượng thận trọng và tiết kiệm hơn.
Kết quả là trong 8 tháng đầu năm nay, châu Âu đã tiêu thụ khí đốt ít hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Các chuyên gia cho biết sự kết hợp giữa các yếu tố nguồn cung tăng và nhu cầu giảm đã giúp kiềm chế phần nào giá khí đốt.
Tuy nhiên, theo ông Henning Gloystein, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group, mặc dù điều này có thể giúp châu Âu tránh được tình trạng "thiếu hụt nghiêm trọng" trong mùa đông năm nay, nhưng "sự thiếu hụt ngắn hạn, tạm thời" vẫn có thể xảy ra vào cuối mùa đông nếu nguồn cung mới của châu Âu bị gián đoạn.
Ông Gloystein cảnh báo: "Mức giá khí đốt giảm như hiện tại không có nghĩa là cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã kết thúc. Mức giá này chỉ thể hiện rằng châu Âu đã gần trữ đầy kho khí đốt của mình."
Tương tự, giá dầu mỏ cũng vậy. Ông Hari Seshasayee, một thành viên của Trung tâm Wilson và là một nhà phân tích năng lượng, cho biết châu Âu vẫn đang mua dầu thô của Nga.
Thực tế, trong tháng 9, châu Âu đã chi 260 triệu euro mỗi ngày để mua nhiên liệu hóa thạch của Nga, chủ yếu là dầu mỏ, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Phần Lan. Tuy đã giảm đáng kể so với con số 1,02 tỷ USD/ngày mà châu Âu đã trả cho Nga trong tháng 4/2022, nhưng con số 260 triệu euro nói trên vẫn rất đáng chú ý.
Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã mua khối lượng dầu thô Nga kỷ lục.
Điều này cho thấy nhu cầu về dầu mỏ từ các nguồn cung khác như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ và Mỹ Latinh, vẫn ít hơn so với trường hợp giả định khi nguồn cung dầu Nga đến châu Âu bị cắt đứt hoàn toàn. "Điều này đã phần nào giúp kiềm chế đà tăng giá", ông Seshasayee nhận định.
Nhưng tình hình có thể sẽ sớm thay đổi.
Giá dầu khí sẽ tăng trở lại?
Khi châu Âu bước vào mùa đông, các chuyên gia dự đoán rằng nhu cầu khí đốt ở châu lục này sẽ tăng lên, điều này có nghĩa là "giá cả sẽ tăng đột biến hơn nữa" vào năm 2023, ông Gloystein nhận định. Hiện tại, giá khí đốt đã tăng hơn 40% so với tháng trước.
Các nhà nhập khẩu khí đốt châu Âu đã làm việc tối đa công suất để tăng cường lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông, bao gồm quyết định trì hoãn những lần bảo trì không cần thiết.
Song, điều đó có thể dẫn đến "nguy cơ sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tăng cao", ông Gloystein giải thích. Và bất kỳ sự cố ngừng hoạt động nào như vậy sẽ dẫn đến tăng giá.
Trước mắt, đã có một mối đe dọa lớn xuất hiện sau khi các nước G7 áp mức giá trần đối với dầu thô của Nga. Điện Kremlin đã lên tiếng cảnh báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp dầu thô cho các quốc gia tham gia kế hoạch kiểm soát giá để trả đũa.
Ông Seshasyee phân tích: "Nếu Nga thực sự cắt nguồn cung dầu cho nhiều quốc gia, thì giá dầu có thể sẽ tăng lên một chút, vì đơn giản là chúng ta không có nguồn cung nào khác có thể thay thế hoàn toàn khối lượng dầu mà Nga cung cấp cho thế giới."
Nhu cầu đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn khác tăng lên cũng có thể khiến giá dầu tăng. Ông Seshasayee cho biết hầu hết các nhà xuất khẩu dầu lớn, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi, cũng là những nhà nhập khẩu lớn các mặt hàng thiết yếu khác, chẳng hạn như lương thực.
Ông Seshasayee nói rằng do cuộc xung đột quân sự làm giá lương thực tăng, các quốc gia này sẽ không muốn giá dầu giảm, vì "họ cần doanh thu bổ sung từ việc xuất khẩu dầu mỏ để cân bằng thu chi của mình".
Tuy nhiên, giá khí đốt ở châu Âu hoặc giá dầu toàn cầu có thể sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào Brussels, Washington hay Moskva, và còn một yếu tố lớn khác: Trung Quốc.
Yếu tố Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu nay đã là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Năm 2021, Trung Quốc cũng trở thành quốc gia mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất hành tinh, vượt qua Nhật Bản.
Tuy nhiên, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã kìm hãm nhu cầu về năng lượng của nước này.
Theo ông Marzec-Manser, điều đó lại vô tình giúp châu Âu và thế giới "hưởng lợi" vì ít phải cạnh tranh với Trung Quốc về năng lượng.
Thế nhưng, mới đây Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, và giới chuyên gia dự đoán rằng sắp tới nền kinh tế của nước này sẽ bắt đầu hoạt động hết công suất. Ông Gloystein nói: "Khi nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại, sự cạnh tranh mới sẽ được tạo ra dưới hình thức đấu thầu giá giữa châu Âu và Đông Bắc Á."
Và khi đó giá khí đốt và xăng dầu sẽ tăng mạnh.
Các nguồn năng lượng thay thế rất quan trọng
Xung đột quân sự Nga-Ukraine kết thúc sẽ góp phần xoa dịu thị trường khi làm giảm rủi ro địa chính trị liên quan đến việc chuyển giao năng lượng và thương mại, theo ông Marzec-Manser.
Tuy nhiên, theo ông Gloystein, ngay cả điều đó cũng không thể đưa giá xuống mức thấp trước cuộc xung đột, bởi châu Âu khó có thể quay trở lại nhập khẩu một lượng khí đốt lớn từ Nga như trước do lo ngại sẽ một lần nữa trở nên quá phụ thuộc vào Moskva.
Ngay cả khi EU muốn bình thường hóa việc mua bán năng lượng với Nga, thì vụ nổ hồi tháng 9 gây ra thiệt hại lớn đối với các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 khiến hy vọng này càng mong manh hơn.
Các chuyên gia cho biết, cách duy nhất để giá dầu và khí đốt có thể giảm xuống mức thấp trước đây là việc có các nguồn năng lượng mới - cả nhiên liệu hóa thạch hoặc năng lượng tái tạo - xuất hiện để cung cấp các giải pháp thay thế cho lượng dầu khí mà Nga xuất khẩu.
Mặc dù vậy, trong kịch bản tốt nhất, thì điều đó sẽ không xảy ra trong ít nhất 2 năm tới. Các dự án lớn mới, chẳng hạn như dự án ở Texas do Qatar Oil và ExxonMobil đầu tư, và một dự án khác của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi, phải đến khoảng năm 2024-2025 mới đi vào hoạt động.
Tổ chức tư vấn Agora Energiewende của Đức vào đầu năm nay cũng đã báo cáo rằng châu Âu có thể phải nỗ lực từ nay đến năm 2027 để thay thế 80% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước cuộc xung đột bằng năng lượng sạch.
Ông Marzec-Manser nói rằng: "Chúng ta có thể phải đợi đến nửa sau của thập kỷ để có thể thực sự hạ giá năng lượng. Đó chính là sự thật cay đắng mà ta sẽ phải đối mặt."