Trong một lần lỡ hẹn với bác sĩ tâm lý, luật sư Van Slyck (ngụ ở thành phố Charleston, bang South Carolina, Mỹ) đã quyết định thử sử dụng ChatGPT để giãi bày những vấn đề cá nhân của mình.
Trong cuộc hội thoại ảo với chatbot của OpenAI, ông nói rằng cảm thấy rất thoải mái khi được trao đổi những câu chuyện thầm kín với một cỗ máy.
Ông đã chia sẻ những nỗi sợ, những áp lực khi là một người chuyển giới và quyền chuyển giới tại nơi ông sinh sống không được thừa nhận. Van Slyck còn kể về những mâu thuẫn với gia đình bởi họ không ủng hộ về bản dạng giới của ông, đồng thời chuyển về nhà sắp tới.
Phụ thuộc vào AI để tư vấn tâm lý
Những ngày sau đó, Van Slyck dần có thói quen nhắn tin với ChatGPT vào một thời điểm trong ngày để trút bầu tâm sự. Ông bắt đầu cảm nhận được những câu trả lời của chatbot AI đã gần gũi và mang nhiều cảm xúc hơn.
Khi chia sẻ cảm nghĩ cá nhân với người khác, anh thường có cảm giác đang gây gánh nặng với họ, ngay cả khi nói chuyện với chuyên viên tâm lý của mình. Trong khi đó, với chatbot AI, anh lại không có cảm giác áp lực này.
“ChatGPT trả lời những điều mà bạn muốn nghe từ một người bạn có thật trong đời. Đôi khi, những điều bạn cần cũng chỉ là sự động viên như vậy thôi”, Van Slyck chia sẻ.
Theo Bloomberg, 2023 mới chỉ là những ngày đầu các chatbot AI phát triển. Mặc dù những mô hình ngôn ngữ tạo sinh như ChatGPT, Bing… đang được sử dụng bởi hàng triệu người trên thế giới, tương lai của chúng vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Người dùng hiện nay dùng chatbot trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm trên Internet, gian lận bài tập, lập trình phần mềm và đặt bàn nhà hàng.
Trong đó, ý tưởng dùng chatbot để tham vấn tâm lý không còn mới lạ. Trước đó, Eliza là một trong những chatbot đầu tiên trên thế giới, đã được phát triển từ những năm 1960 bởi giáo sư Joseph Weizenbaum tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Chatbot này được tạo ra với khả năng tương tự một chuyên viên tư vấn tâm lý.
Sau đó, một số chatbot tập trung cho sức khỏe tinh thần con người như Woebot và Wysa cũng bắt đầu ra đời. Không như những chuyên viên tâm lý người thật, các chatbot này làm việc không biết mệt và cũng không hề tốn nhiều chi phí.
AI vẫn chưa thể thay thế bác sĩ
Song, sự tiện lợi cũng đi kèm nhiều mặt trái. Những chatbot được nhiều người sử dụng như ChatGPT, Bard hay Bing hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), có khả năng tạo ra những phản hồi hay thông tin có độ thuyết phục cao nhờ bộ dữ liệu khổng lồ.
Chúng không được tạo ra với mục đích tham vấn tâm lý hay lập trình để đưa ra những lời khuyên, về đạo đức và pháp lý như những chuyên viên tâm lý người thật. Hiện, các chatbot AI vẫn chưa thể hệ thống hóa những câu chuyện mà người dùng chia sẻ. Điều này khiến chúng tỏ ra lép vế so với các chuyên gia tâm lý thật.
“Nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, những chatbot AI không thể thay thế chuyên gia tâm lý”, giáo sư Stephen Ilardi tại Đại học Kansas cho biết. Ông cho rằng rủi ro khi sử dụng những hệ thống này quá lớn và gọi ChatGPT chỉ là “trò đùa rẻ tiền”. Mọi người nên tìm đến một người đáng tin tưởng để chia sẻ các vấn đề cá nhân.
Phản hồi về vấn đề này, đại diện OpenAI, cha đẻ của ChatGPT, khuyến cáo người dùng không nên dùng các mô hình ngôn ngữ AI để chẩn đoán hoặc điều trị những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Trong quá trình trò chuyện với Van Slyck, ChatGPT cũng nhiều lần khẳng định mình không phải là một chuyên viên tâm lý. “Nếu bạn gặp sang chấn tâm lý hay các vấn đề về sức khỏe tinh thần, các nội dung trên Internet có thể sẽ hữu ích nhưng vẫn không thể thay thế chuyên gia”, ChatGPT phản hồi.
Những vấn đề cá nhân khó nói với AI
Van Slyck chia sẻ anh vẫn sẽ thường xuyên đi tham vấn tâm lý với chuyên gia và hỏi ý về những lời khuyên mà ChatGPT đề xuất trước khi làm theo. “Đến thời điểm hiện tại, mọi lời khuyên của ChatGPT đều rất có lý và rất sâu sắc”, nam luật sư cho biết.
Theo giáo sư Stephen Ilardi, ChatGPT có thể được tích hợp vào quy trình tham vấn khi nhu cầu tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý ngày càng tăng. Nhà khoa học Margaret Mitchell tại cộng đồng AI mã nguồn mở Hugging Face cho rằng những chatbot AI có thể được sử dụng để cho nhóm trực điện thoại hotline và giúp hỗ trợ được nhiều cuộc gọi hơn.
Song, chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng sẽ có nhiều người tìm đến các chatbot để tham vấn tâm lý nhưng lại vô tình trầm trọng hóa vấn đề vì không đủ hiểu biết về AI.
Bên cạnh đó, quyền riêng tư cũng là một vấn đề gây tranh cãi bởi OpenAI sẽ sử dụng các cuộc hội thoại của người dùng với chatbot để đánh giá và rèn luyện hệ thống. Do đó, nhiều người sẽ e ngại chia sẻ về những vấn đề cá nhân nhạy cảm với ChatGPT.
Nhiều người khác còn nghĩ rằng việc AI tư vấn tâm lý quá kỳ lạ. Quản lý dự án Aaron Lawson ở thành phố San Diego, bang California cho biết anh rất thường sử dụng ChatGPT như một chuyên viên tâm lý.
Mặc dù những câu trả lời của nó rất giống người thật, Lawson vẫn cảm nhận rõ rằng mình đang nói chuyện với một cỗ máy. “Tôi bảo nó hãy thử chơi trò đóng vai nhưng tôi lại gặp khó khăn trong chính vở kịch này”, Aaron Lawson chia sẻ.