Việc Thế Giới Di Động (TGDĐ) thay đổi chiến lược kinh doanh đối với iPhone nói riêng và các dòng sản phẩm khác nói chung trong giai đoạn đầu năm khiến nhiều chuỗi bán lẻ có thị phần nhỏ hơn buộc phải thích nghi.
Từng không quan tâm đến đối thủ
Những năm gần đây, giá iPhone nói riêng và các mặt hàng khác tại TGDĐ luôn cao hơn các chuỗi bán lẻ khác từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Sự chênh lệch này tới từ việc TGDĐ là chuỗi bán lẻ chiếm tới hơn 60% thị phần. Không chỉ vậy, lượng cửa hàng của chuỗi còn có độ phủ sóng cao với 1.189 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh nghiệp này đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ.
Hệ thống từng có chiến lược kinh doanh "không quan tâm đến đối thủ xung quanh" được chuỗi áp dụng trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), chia sẻ tại một sự kiện năm 2017 rằng họ muốn tập trung vào trải nghiệm khách hàng thay vì nhìn vào các đối thủ cạnh tranh.
“Đó là cách chúng tôi tạo sự khác biệt và khi chúng tôi làm như vậy, chúng tôi không quan tâm đến đối thủ xung quanh, trong phân tích của chúng tôi không có một dòng nào nói về đối thủ cả”, ông Tài chia sẻ.
Vị này cũng nhận định nếu ngày nào đó doanh nghiệp nhìn vào đối thủ nghĩa là “đã đi lạc đường” và nhóm duy nhất cần được nhìn vào chính là khách hàng.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2021 đã chứng minh chiến lược kinh doanh này của TGDĐ là đúng. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MWG - công ty mẹ của chuỗi này - liên tục tăng trưởng trong giai đoạn trên.
Lợi nhuận sau thuế của TGDĐ đạt mức 2.206 tỷ đồng vào năm 2017 và con số này đã tăng trưởng 122%, đạt mức 4.901 tỷ đồng vào năm 2021.
MWG sẽ không để chênh lệch giá này trở thành điểm để đối thủ lợi dụng
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, thị trường bán lẻ công nghệ tại Việt Nam đang ghi nhận một TGDĐ rất khác. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của doanh nghiệp, có thể thấy TGDĐ đã buộc phải "nhìn vào đối thủ" để kinh doanh.
"Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế Giới Di Động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng. Đó là khe hở cho đối thủ kiếm khách hàng. Sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt. MWG sẽ không để chênh lệch giá này trở thành điểm để đối thủ lợi dụng", ông Tài nói.
Ông Tài cũng khẳng định việc thay đổi chính sách kinh doanh lần này của TGDĐ sẽ không diễn ra ngắn hạn mà sẽ kéo dài và tác động trực tiếp lên các đối thủ cạnh tranh trong thời gian tới.
Có thể thấy đây không đơn thuần là phản ứng của ông lớn ngành bán lẻ Việt trong bối cảnh thị trường ảm đạm mà là chiến lược mới doanh nghiệp theo đuổi trong tương lai.
Sự hồi đáp của các chuỗi bán lẻ
Việc giá thành sản phẩm tại TGDĐ tiệm cận và thậm chí không còn chênh lệch so với các chuỗi bán lẻ có thị phần nhỏ đã khiến thị trường công nghệ tại Việt Nam xáo động. Các chuỗi bán lẻ có thị phần nhỏ hơn buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để thích nghi.
Theo ghi nhận của Zing, hiện các chuỗi bán lẻ đang chia làm hai nhóm, phản ứng theo các hướng khác nhau với chiến lược mới của TGDĐ.
Nhóm thứ nhất là những chuỗi quyết định đứng ngoài cuộc chiến cạnh tranh giá. Nhóm này sẽ không giảm giá ngang bằng hoặc thấp hơn TGDĐ mà sẽ tiếp tục niêm yết giá bán sản phẩm ở mức có biên lợi nhuận hợp lý.
Điển hình cho nhóm này là ShopDunk. Chia sẻ với Zing, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện chuỗi này, nói sẽ không tiếp tục cạnh tranh giá với TGDĐ vì giá dòng iPhone 14 tại chuỗi đã được cân đối ở mức hợp lý và sẽ không thể giảm thêm.
Tương tự, bà Phùng Phương, đại diện chuỗi Di Động Việt, cho hay giá sản phẩm tại chuỗi đang ở mức cạnh tranh trên thị trường nhưng chiến lược kinh doanh của chuỗi là "không cạnh tranh bằng giá mà cạnh tranh bằng giá trị".
Nhóm thứ 2 là những chuỗi bán lẻ đua giảm giá tới cùng. Nhóm này không chỉ liên tục cập nhật giá bán trực tuyến thấp hơn hoặc ngang bằng với TGDĐ mà còn cạnh tranh bằng cách giảm giá trực tiếp tại các cửa hàng.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết chuỗi vẫn duy trì giá lẻ bán cạnh tranh với TGDĐ.
"CellphoneS sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến giá nào với hệ thống bảng giá điện tử và hệ thống LED giúp thay đổi giá bán sản phẩm nhanh chóng chỉ trong 5 giây. Chuỗi đã đầu tư hệ thống cập nhật giá thời gian thực nhằm chủ động đặt một mức giá thấp hơn so với đối thủ", ông Huy chia sẻ.
Về phía Hoàng Hà Mobile, đại diện chuỗi này chia sẻ triết lý kinh doanh của chuỗi luôn là tối giản diện tích mặt bằng, giảm thiếu tối đa chi phí vận hành nhằm đưa ra mức giá cạnh tranh trên thị trường.
Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại 24hStore. Đại diện chuỗi này cho biết những doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhỏ, dựa vào lợi thế tinh giản của hệ thống để tối ưu chi phí quảng cáo và vận hành, từ đó tạo ra chênh lệch giá bán, thu hút khách hàng.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia trong ngành hàng bán lẻ công nghệ cho biết tuyên bố chiến lược kinh doanh này của TGDĐ chỉ đang nhắm vào ngành hàng Apple. Nếu như tính về thị trường bán lẻ công nghệ "ông lớn" chiếm 60% thị phần thì với ngành hàng Apple thị phần của TGDĐ đang là 30%.
"Họ đang dùng các nhãn hàng Android để giữ lợi nhuận và cạnh tranh giành thị phần ở nhóm hàng Apple", vị này nhận định về chính sách mới của TGDĐ.
Vị này cũng nói thêm người dùng sẽ là đối tượng được lợi khi các chuỗi bán lẻ cạnh tranh giá. Tuy nhiên khi cuộc chiến này kéo dài, thị trường công nghệ sẽ chứng kiến những biến động về thị phần, giá thành và chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.
Việc "bán phá giá" các sản phẩm Apple giữa các chuỗi bán lẻ bắt đầu diễn ra từ sau Tết Âm lịch, nguyên nhân đến từ áp lực tồn kho lớn và lượng cung vượt xa cầu. Ngoài ra, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã khiến các chuỗi buộc phải hạ giá, xả hàng để giải quyết những khó khăn về dòng tiền.