Ngành thép Việt Nam đang chịu áp lực từ các tác nhân trong và ngoài nước khiến mức tồn kho tăng cao.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã đưa ra dự báo về tình hình “thê thảm” của ngành thép trong năm 2022. Có nhiều yếu tố khiến sản lượng tiêu thụ thép sụt giảm, dẫn tới mức tồn kho cao kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước.
Hòa Phát là doanh nghiệp thép có sản lượng lớn nhất, đạt 4,15 triệu tấn trong nửa đầu năm 2022. Đồng thời đây cũng là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn nhất với khoảng 550 nghìn tấn - theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam.
Sản lượng thép tồn kho có xu hướng gia tăng trong 3 năm gần đây. (Nguồn ảnh: FiinGroup/Hiệp hội Thép Việt Nam)
Nhu cầu sụt giảm đẩy mức tồn kho tăng cao
Thép là nguyên liệu chính cho các dự án bất động sản, hạ tầng.Nhu cầu thép xây dựng tại thị trường nội địa đang ở mức thấp do ảnh hưởng từ nguồn vốn và tiến độ giải ngân.
Tính đến cuối tháng 7, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân mới đạt 26% tổng kế hoạch vốn giao, 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng không, theo nội dung Phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2022, diễn ra vào sáng 04/08 vừa qua.
Đầu tư công giải ngân chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, theo đánh giá từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định đầu tư, kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát.
Thông tư 16/2021/TTNHNN có hiệu lực kể từ 15/01/2022, bổ sung những quy định, hạn chế dành cho các tổ chức tín dụng trong việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát diễn ra liên tục, kênh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu trầm lắng để thích ứng với quy định mới.
Chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản dẫn đến sự đình trệ các dự án, công trình đang và chuẩn bị triển khai. Bên cạnh đó, giá thép và vật liệu xây dựng đều tăng cao khiến nhu cầu xây dựng đang chững lại. Trong đó, giá xi măng và cát trong tháng 6/2022 đã tăng thêm trung bình 20% và 35% so với cùng kỳ (theo Mirae Asset).
Những tác nhân trên gián tiếp khiến cho nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thép xây dựng sụt giảm, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng ngành thép.
Top 5 doanh nghiệp có mức tồn kho thép lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn ảnh: FiinGroup/Hiệp hội Thép Việt Nam)
Ngoài ra, việc Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát, tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid" cực đoan khiến nhu cầu thép tại thị trường này giảm là một phần nguyên nhân khiến tồn kho của Hòa Phát ở mức cao, theo chia sẻ từ ông Trần Đình Long. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, do đó ảnh hưởng tiêu cực của thị trường này lên các doanh nghiệp thép Việt càng trở nên rõ nét.
Theo Hiệp hội Thép thế giới, kỳ vọng về sự phục hồi và tăng trưởng ổn định sau đại dịch đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng. Nhu cầu thép toàn cầu có khả năng tăng 0,4% lên mức 1,84 tỷ tấn trong năm nay, chậm lại so với mức tăng 2,7% vào năm 2021.
Sức ép giá nguyên liệu thép
Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine tác động tiêu cực khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất thép. Chuỗi cung ứng vốn là yếu tố gây khó khăn cho các doanh nghiệp thép trên toàn cầu, nay lại tiếp tục chịu sự gián đoạn.
Giá than cốc (nguyên liệu chính sản xuất thép) tăng từ mức 213 USD/tấn vào tháng 12/2021 lên 635 USD/tấn vào tháng 3/2022 và duy trì ở mức trên 500 USD/tấn trong tháng 5 và 6/2022 khi nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Ngành thép chịu rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất - theo Mirae Asset.
Ngành thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu. Hầu hết nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế thép, nhiên vật liệu tiêu hao thường xuyên như than cốc, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ sản xuất thép hầu hết đều phải nhập khẩu.
Giá quặng sắt và than cốc giai đoạn 2018 - 2022. (Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset Vietnam, Reuters)
Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cả về phía cung và cầu khi giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu bị thu hẹp.
Cuối năm cũng là giai đoạn thấp điểm của ngành xây dựng khi miền Nam bước vào mùa mưa, đồng thời miền Bắc bắt đầu mùa đông lạnh giá. “Tháng cô hồn” (tháng 7 Âm lịch) cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu thép được dự báo chưa thể phục hồi trong năm nay.
Thép là mặt hàng đặc thù được các quốc gia bảo hộ chặt chẽ, do đó thị trường tiêu thụ chính của thép Việt Nam vẫn là thị trường trong nước. Thời gian gần đây, thép Việt Nam liên tục bị Mỹ và Mexico điều tra trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, lẩn tránh thuế.
Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép niêm yết đã giảm gần 44% trong 9 tháng gần đây, trong khi đó, mức lợi nhuận nửa đầu năm 2022 của các doanh nghiệp trong ngành giảm tới 39% so với cùng kỳ 2021, theo dữ liệu từ FiinGroup.