20 năm trước, kinh tế Trung Quốc chỉ lớn bằng 14% kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, không lâu sau đó các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu dự đoán khi nào thì GDP Trung Quốc sẽ vượt GDP Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong 1 nghiên cứu nổi tiếng công bố năm 2003, ngân hàng Goldman Sachs dự báo phải đến năm 2041 Trung Quốc mới có thể vượt Mỹ. Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09 nổ ra, dự đoán này lại trở nên quá rụt rè.
Trên thực tế, khoảng cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thu hẹp nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán. Bởi những rắc rối mà kinh tế Mỹ gặp phải, tốc độ tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc và đà tăng giá vững chắc của đồng nhân dân tệ.
Đến năm 2010, GDP Trung Quốc đã bằng 40% GDP Mỹ. Do đó Goldman Sachs đã thay đổi mốc thời gian từ đầu những năm 2040 đến cuối những năm 2020. Cùng năm đó, Goldman tạo ra 1 biểu đồ cho phép người đọc tự dự báo về thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ dựa trên các giả định của chính họ về tốc độ tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá.
5 năm sau, dự báo lạc quan của Goldman một lần nữa lại trật lất. Không phải bởi vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, mà bởi vì tỷ giá nhân dân tệ (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát) đột ngột không còn tăng mạnh nữa. Năm 2015, Trung Quốc phá giá đồng nội tệ một cách vụng về và khiến nhà đầu tư hoảng sợ.
Ngày mà kinh tế Trung Quốc chiếm ngôi vị số 1 ngày càng lùi xa. Cuối năm 2015, EIU dự báo Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ trước năm 2032, lùi 8 năm so với dự báo được đưa ra 1 năm trước đó.
Ở thời điểm hiện tại tức gần 10 năm sau, thậm chí có không ít người hoài nghi liệu điều đó có thể xảy ra hay không. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc gần đây chậm lại đáng kể. Dân số già hóa dẫn đến lực lượng lao động co hẹp. UN dự báo bước sang những năm 2030, số dân Trung Quốc trong độ tuổi 15 đến 64 sẽ giảm hơn 100 triệu người.
Nếu GDP Trung Quốc không thể vượt Mỹ vào giữa thập kỷ đó, dự báo được Goldman Sachs đưa ra năm 2003 sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, theo Capital Economics.
Vẫn có một số bên lạc quan hơn. OECD và Viện Lowy đưa ra mốc thời gian trong những năm 2030. EIU cho rằng điều đó sẽ xảy ra vào năm 2039 – giống với dự báo của Goldman Sachs 20 năm trước.
Trong 2 thập kỷ vừa qua, kinh tế Trung Quốc có thăng có trầm, do đó những dự báo thay đổi cũng là điều dễ hiểu.
Những khó khăn trước mắt
Sau 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid hà khắc để chống dịch, từ cuối năm ngoái Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế với hi vọng nền kinh tế có thể bật tăng mạnh mẽ
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, một loạt chỉ số kinh tế, trong đó có doanh số bán lẻ và tổng vốn đầu tư, đều tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự đoán. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chỉ đạt chứ không thể vượt mục tiêu khiêm tốn là GDP tăng trưởng 5% trong năm 2023.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược. Thị trường bất động sản – lĩnh vực vốn là nguồn đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP - hiện đang rất ảm đạm dù chính phủ đã có những biện pháp kích thích.
Tham khảo The Economist