Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng một kWh; và giá tối đa là 2.444,09 đồng một kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.
EVN "dọa" sẽ lỗ gần 65.000
Sau khi có khung giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương sẽ đưa ra phương án giá bán lẻ điện bình quân. Từ đó, EVN mới có cơ sở để tính toán giá bán lẻ điện.
Việc tăng giá bán lẻ điện được EVN lý giải là rất cần thiết trong bối cảnh biến động giá của các loại nhiên liệu như than, dầu, khí... trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao trong khi giá điện không tăng từ năm 2019.
Thực tế, trong nhiều tháng qua, EVN đã liên tục công bố nhiều thông tin khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đứng trước khả năng mất cân đối dòng tiền…
EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn u ám hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia... dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Ngoài khó khăn trong cân đối dòng tiền, giữ uy tín đối với các đối tác, năm 2023 EVN cũng vẫn phải đối mặt với thách thức cũ, đó là nguy cơ thiếu than tại các nhà máy nhiệt điện.
Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cơ bản cấp đủ khối lượng than theo hợp đồng đã ký với EVN, khi đã cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN được 16,91 triệu tấn, bằng 97,1% hợp đồng cả năm.
Mặc dù đã cố gắng để cung cấp gần đủ than cho nhiệt điện, tuy nhiên trong một số tháng, tình trạng thiếu than dẫn tới thiếu điện đã xảy ra ở nhiều nhà máy.
Cụ thể, cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 có những thời điểm chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60-70% công suất.
Điều đáng lo là hiện nay, theo tính toán, lượng than “dự trữ” của TKV cuối năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng này, EVN và TKV phối hợp tìm giải pháp chuẩn bị nguồn than cho sản xuất điện năm 2023.
Theo đánh giá của Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, có nhiều thách thức trong việc cấp than cho sản xuất điện năm 2023 do khả năng sản xuất than trong nước giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện ngày càng tăng.
Bên cạnh đó là yếu tố về chủng loại than. Năm 2023, TKV cấp cho các nhà máy của EVN dự kiến hoàn toàn là than pha trộn. Nguồn than pha trộn sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành ổn định, kinh tế của các nhiệt điện, dễ gây nguy cơ tăng các sự cố, làm giảm khả dụng của các nhà máy điện, ảnh hưởng rất lớn đến cung cấp điện trong thời điểm có nhu cầu huy động cao trong mùa khô năm 2023.
TKV dè dặt với mục tiêu sản xuất than trong năm mới
Trước thực tế này, EVN đề nghị TKV ưu tiên cung cấp than cho phát điện trong mọi trường hợp; đồng thời, có các giải pháp để tăng khai thác than sản xuất trong nước trước mắt và trong dài hạn. Đặc biệt, đề nghị TKV phối hợp với các nhà máy điện để cấp các chủng loại than có các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thực tế của từng nhà máy nhiệt điện.
Đứng trước yêu cầu của khách hàng lớn nhưng Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng nhiều lần than khó, vì thiếu hàng để bán. Theo báo cáo của Tập đoàn này, hiện nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước tăng cao do giá than nhập khẩu tăng ở mức kỷ lục đã tạo ra áp lực lớn đến việc sản xuất, cung ứng than của Tập đoàn.
Trong khi việc xin cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác than, khoáng sản bị vướng mắc bởi quy hoạch, cơ chế chính sách chưa đồng bộ đã hạn chế năng lực sản xuất than của TKV do không tăng được sản lượng than khai thác. Cộng thêm việc giá than cho sản xuất điện chưa được điều chỉnh từ tháng 3/2019 dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, tạo ra áp lực cho Tập đoàn trong điều hành sản xuất tiêu thụ than.
Được biết, năm 2022 TKV đã sản xuất được 39,4 triệu tấn than. Tuy nhiên, sang năm 2023 dù nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao nhưng trước những khó khăn nội tại, TKV cũng chỉ đặt mục tiêu sản xuất gần 40 triệu tấn than, tức là tương đương năm cũ.
Năm 2022, chi phí sản xuất của đơn vị này tăng khoảng 3000 tỷ do biến động giá cả đầu vào. Cụ thể, giá dầu diezen tăng khoảng 2 nghìn tỷ đồng; giá sắt thép tăng khoảng 500 tỷ đồng, giá cả các loại vật tư phụ tùng khác tăng khoảng 500 tỷ đồng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: "Để đạt được mục tiêu sản xuất xấp xỉ 40 triệu tấn than, trong thời gian tới, TKV triển khai các giải pháp cho từng đơn vị để thực hiện sản xuất kinh doanh ổn định, đảm bảo cung cấp đủ than cho các đối tác bạn hàng theo hợp đồng dài hạn đã ký kết".
Theo đó, Tập đoàn tiếp tục ưu tiên đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới tiên tiến hiện đại, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than - khoáng sản nhằm tăng thời gian làm việc hữu ích của người lao động, tăng năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, an toàn môi trường, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động; thúc đẩy công tác đầu tư, chuẩn bị tài nguyên sẵn sàng cho các dự án kết thúc giai đoạn xây dựng cơ bản. Đồng thời, xây dựng tiến độ thực hiện các phương án xuống sâu các mỏ hầm lò để duy trì sản lượng khai thác than theo kế hoạch.