Gánh nặng tài chính đè lên vai người lớn tuổi
2 năm sau khi Zhao Yanfang phải nghỉ việc tại căng tin của một doanh nghiệp nhà nước, người phụ nữ 52 tuổi này đã quay lại làm việc, lần này là ở một nhà hàng mì tại Bắc Kinh. Vào một ngày gần đây, bà nhập đơn đặt hàng cho khách hàng quen để nhận được mã giảm giá thông qua nhiều kênh khác nhau, trong khi chia sẻ về những ưu đãi đặc biệt trong ngày cho bữa tối với các khách hàng.
Zhao cho biết: "Tôi làm vậy là vì con trai." Chồng bà đã mất việc khi đại dịch xảy ra nên bà muốn hỗ trợ gia đình. Bà nói: "Tôi cứ nghĩ 30 năm làm việc là đủ kinh nghiệm để làm phục vụ bàn, không ngờ mọi thứ lại khó khăn đến vậy."
Zhao là một trong số hàng triệu người về hưu của Trung Quốc đã hoặc chuẩn bị tái gia nhập thị trường lao động. Gánh nặng tài chính với các gia đình Trung Quốc đã tăng lên do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến hoạt động kinh doanh trì trệ và nền kinh tế giảm tốc. Bắc Kinh cũng khuyến khích những người về hưu làm việc trở lại khi dân số đang già đi nhanh chóng và khả năng lực lượng lao động trong dài hạn sẽ sụt giảm.
Dân số trong độ tuổi lao động ở nước này, từ 16-64 tuổi, được dự báo sẽ giảm hơn 60% trong 8 thập kỷ tới, theo một báo cáo do Liên hợp quốc công bố vào tháng 7. Cuối năm 2020, Trung Quốc có 264 triệu người trên 60 tuổi và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 400 triệu, chiếm hơn 30% tổng dân số Trung Quốc, vào năm 2023, theo Uỷ ban Y tế Quốc gia.
Trong bối cảnh ngày càng ít lao động đóng góp vào hệ thống lương hưu và số lượng người lớn tuổi cần nhận trợ cấp ngày càng tăng, quỹ hưu trí nhà nước của Trung Quốc có thể cạn tiền vào năm 2035, theo dự báo năm 2019 của Viện Khoa học Trung Quốc (CAS).
Trung Quốc đã điều chỉnh một chút quy định về tuổi nghỉ hưu đã có trong nhiều thập kỷ: 60 với nam, 55 với nữ nhân viên văn phòng và 50 với nữ công nhân. Vào tháng 2, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc xác nhận rằng họ sẽ dần lùi tuổi nghỉ hưu bắt buộc trong những năm tới, thực hiện kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của người già và điều chỉnh theo thực tế mới là dân số đang già đi nhanh chóng.
Một chiến dịch truyền thông cũng đang tuyên truyền về giá trị của việc làm việc lâu dài hơn, giúp mọi người đạt được mục tiêu sự nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đã cho ra mắt một trang web đặc biệt hồi tháng 8, để kết nối những người lớn tuổi tìm việc với các nhà tuyển dụng tiềm năng. McDonald’s là một trong những công ty đầu tiên tuyển dụng nhân viên phục vụ ở độ tuổi nghỉ hưu ở Bắc Kinh, mức lương lên tới 3.500 NDT (488 USD)/tháng, với 40 giờ làm việc/tuần.
Joseph Chamie - nhà nhân khẩu học quốc tế và cựu giám đốc Ban dân số của Liên hợp quốc, cho biết: "Tuổi thọ cao hơn, và số lao động lớn tuổi ít hơn, đang làm tăng gánh nặng tài chính cho ngân sách chi trả lương hưu. Để bù đắp, chính phủ trên khắp thế giới đang cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu."
Năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua dự luật yêu cầu các công ty tiếp tục cho nhân viên làm việc đến khi họ 70 tuổi, nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 70. Còn Đức có kế hoạch tăng tuổi hưởng lương hưu nhà nước từ 65 lên 67, nhưng phải đến năm 2031 mới triển khai.
Và ở Pháp, tuổi nghỉ hưu chính thức 62 - thấp nhất trong số 38 quốc gia OECD. Năm nay, chính phủ nước này nỗ lực khuyến khích người dân tiếp tục làm việc đến năm 65 tuổi nhưng đã nhận được nhiều lời phản đối, dẫn đến một số cuộc đình công.
Người lớn tuổi chủ yếu tìm đến ngành dịch vụ và sản xuất
Theo một cuộc khảo sát vào tháng trước của nền tảng tuyển dụng 51jobs.com, 68% người cao tuổi cho biết họ rất mong muốn được làm việc sau khi nghỉ hưu, dù là nhu cầu về tài chính hay thích sự bận rộn. Cuộc khảo sát cho thấy ngành dịch vụ và sản xuất vốn sử dụng nhiều lao động là lĩnh vực phổ biến nhất mà họ tìm việc làm, đặc biệt là với những người thiếu kỹ năng.
Trong khi đó, vị thế "công xưởng của thế giới" của Trung Quốc được tạo nên chủ yếu là nhờ lao động trẻ nhập cư, họ rời nông thôn để tìm cơ hội kiếm tiền ở các trung tâm xuất khẩu nhộn nhịp. Song, trong thập kỷ qua, độ tuổi trung bình của lao động nhập cư ở Trung Quốc đã tăng đều đặn, do ngày càng ít người trẻ tham gia vào lực lượng lao động và lao động lớn tuổi do không có lương hưu phải tiếp tục làm việc.
Theo Cục Thống kế Quốc gia, Trung Quốc có 292 triệu lao động nhập cư vào năm ngoái, độ tuổi trung bình là 41,7 trong khi năm 2008 là 34. Hơn 1/4 số lao động nhập cư hiện nay trên 50 tuổi. Và hơn 1 nửa là trên 40 tuổi, trong khi năm 2010 là hơn 1/3.
Kent Huang là doanh nhân thế hệ thứ 2 ở tỉnh Quảng Đông, chuyên sản xuất phần cứng và đồ nội thất xuất khẩu. Anh cho biết có rất nhiều công nhân trên 40 tuổi làm việc tại các nhà máy ở phía nam đồng bằng sông Châu Giang của Trung Quốc.
Huang cho hay: "Có khoảng 200 công nhân trong nhà máy của tôi và 80% trong số họ ở độ tuổi ngoài 40 hoặc đầu 50. Hiếm khi có công nhân sản xuất trẻ ở tuổi 20."
Lao động lớn tuổi được trả mức lương tương đương với người trẻ. Huang nói rằng, tất cả đều được thuê để làm theo phần việc riêng chứ không trả lương theo tháng. Khi đại dịch xảy ra, nhu cầu trên toàn cầu lao dốc, thì họ đã phải chịu áp lực lớn.
Huang nói: "Do dịch bệnh, thu nhập của người lao động thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Nhiều nhà máy đã phải sa thải bớt khi số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh xuống dưới 40% vào năm ngoái. Những lao động nữ ở độ tuổi cuối 40 sẽ nằm trong số phải nghỉ phép bắt buộc với mức lương tối thiểu. Họ không có đủ tiền để trang trải phí sinh hoạt ở khu vực thành thị, chứ chưa nói đến việc hỗ trợ gia đình ở quê."
Lu Zhou - giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất thiết bị gốc ở Taicang, tỉnh Giang Tô, cho biết với ngành sản xuất truyền thống như giày dép và quần áo, họ có lợi thế khi thuê công nhân lớn tuổi. Theo ông, nhóm này thường "yêu thích công việc hơn, trong khi người trẻ lại hay ‘nhảy việc’."
Ông cho hay: "Song, đương nhiên, trong những ngành công nghệ hiện đại, thì lao động lớn tuổi khó có thể xin việc. Họ thường tìm đến ngành dịch vụ không đòi hỏi có những kỹ năng mới hoặc vào ngành sản xuất truyền thống cấp thấp."
Helen Wu - đối tác sáng lập của Sunshine Immensity, công ty cung cấp dịch vụ tìm nhân sự ở Bắc Kinh, cho biết hiếm khi thấy những người trên 50 tuổi được lựa chọn ở các vị trí cấp cao. Bà chia sẻ: "Trong 14 năm làm việc, tôi thấy cơ hội có được các vị trí cấp cao là rất ít với người lớn tuổi, trừ khi họ là người có quan hệ rộng hoặc từng là giám đốc điều hành cấp cao."
Bà nhận định, thị trường lao động ở Trung Quốc có sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Huang Wenzheng - nhà nhân khẩu học từng viết nhiều về các vấn đề tỷ lệ sinh và lao động của Trung Quốc, chỉ ra một thực tế khắc nghiệt là nhiều người về hưu phải tiếp tục làm việc để hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, không nên ép người già đi làm chỉ để tăng lực lượng lao động. Theo Huang, mọi người nên sống để tận hưởng cuộc sống chứ không phải chỉ kiếm tiền.
Huang cho rằng điều quan trọng là thúc đẩy tỷ lệ sinh vốn đang sụt giảm ở Trung Quốc. Tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,15 vào năm ngoái, so với 2,6 vào cuối những năm 1980. Trong khi đó, 2,1 mới là mức cần thiết để duy trì số lượng dân số ổn định.