“SIM có sẵn, chắc chắn không bị khóa, cứ yên tâm dùng”, chủ một cửa hàng SIM thẻ trên đường Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bảo đảm với Zing khi được hỏi về SIM đăng ký sẵn thông tin. Đây là thông tin được chia sẻ hôm 3/4, 3 ngày sau hạn cuối chuẩn hóa thông tin và khóa thuê bao một chiều.
Giải thích kỹ hơn, người này cho biết loạt SIM đăng ký sẵn tại đây đều mang thông tin người thật, do đó sẽ không bị khóa sau đợt rà soát đang diễn ra. Đến nay có khoảng 1,5 triệu SIM bị khóa liên lạc một chiều vì không khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư.
Tìm kiếm trên mạng, dễ bắt gặp hàng nghìn kết quả SIM 4G, data đăng ký sẵn được bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc các nhà bán lẻ lớn. “SIM đã kích hoạt, chỉ cần lắp vào sử dụng”, một người bán tại địa chỉ web 6**.vn giới thiệu, nói thêm rằng sẽ hỗ trợ đăng ký chính chủ nếu khách có nhu cầu.
SIM rác đang lách luật như thế nào
Thực tế, đăng ký chính chủ khi mua SIM là quy định bắt buộc chứ không phải dịch vụ tặng kèm.
Cụ thể, cá nhân đăng ký thuê bao di động cần xuất trình giấy tờ tùy thân, theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải đảm bảo thông tin trên giấy tờ là đúng của cá nhân, sau đó ghi nhận các thông tin này cùng ảnh chụp chân dung và bản số hóa giấy tờ vào thông tin thuê bao.
Gần đây hơn, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tiếp tục siết chặt việc quản lý thuê bao khi yêu cầu các nhà mạng phải khớp thông tin thuê bao đã ghi nhận với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Các thuê bao không trùng khớp sẽ bị khóa liên lạc 2 chiều sau ngày 15/4 và thu hồi sau ngày 15/5.
Các đại lý trực tiếp kinh doanh SIM biết các yêu cầu này, nhưng việc bán SIM vẫn không diễn ra chặt chẽ như quy định. “Theo nghị định của chính phủ thì tất cả các SIM đều phải đăng ký chính chủ”, người bán tại trang 6**.vn nói trước khi giới thiệu dịch vụ đăng ký, kích hoạt sẵn thuê bao.
“SIM đều đã được đăng ký bằng thông tin thật, nhưng nếu muốn có thể cầm căn cước của ai ra đây đăng ký cũng được”, chủ cửa hàng trên đường Lê Duẩn cho biết.
“Một lý do không hết SIM rác là vì dễ mua SIM đăng ký sẵn. Với đợt rà soát mới, các đại lý SIM không thể đăng ký quá bừa bãi, nhưng họ sẽ tìm cách dùng thông tin người thật để đăng ký”, nguồn tin yêu cầu ẩn danh tại một trong 3 nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam nói với Zing.
Cho dù chính chủ hay không, chỉ cần thông tin trên thuê bao trùng khớp với thông tin của một người trong CSDLQG, thuê bao sẽ chưa bị khóa trong đợt rà soát này.
Bao giờ hết SIM rác?
Trao đổi với Zing về đợt chuẩn hóa thông tin, đại diện Cục Viễn thông cho biết đây là một bước trong quá trình hạn chế các SIM với thông tin không chính xác, được sử dụng cho các mục đích tin nhắn, cuộc gọi rác hoặc lừa đảo.
“Trước khi có CSDLQG, Bộ TTTT đã làm bước thứ nhất là loại 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ. Bước thứ hai, khi có dữ liệu, các doanh nghiệp viễn thông tổ chức đối soát, nhưng sau đó lại nảy sinh vấn đề cần thực hiện bước thứ ba là SIM không chính chủ”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 11/2022.
“Theo tôi được biết quy trình dẹp SIM rác sẽ diễn ra theo lộ trình, bước đầu là chuẩn hóa thông tin với CSDLQG để đảm bảo mọi thông tin thuê bao đều là người thật, và trong 1-2 năm tới sẽ tiếp tục siết chặt để đảm bảo SIM chính chủ, đúng với người dùng”, nguồn tin nói trên cho biết.
Tuy nhiên, nguồn tin yêu cầu ẩn danh từ một nhà mạng lớn khác cho rằng tình trạng SIM rác khó chấm dứt hoàn toàn.
Hiện các nhà mạng không có quyền truy cập trực tiếp vào CSDLQG để kiểm tra thông tin thuê bao ngay khi đăng ký, do đó việc chuẩn hóa thông tin sẽ diễn ra định kỳ theo từng tập thuê bao, và giữa các kỳ chuẩn hóa là cơ hội cho SIM rác phát sinh trước khi bị chặn ở đợt rà soát tiếp theo, nguồn tin này giải thích.