Giai đoạn kỷ nguyên số hóa với sự phát triển, hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ mới đã, đang làm thay đổi hoạt động của nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài “vòng xoáy”, ứng dụng công nghệ nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản…
Áp dụng, thích nghi với công nghệ mới trong kinh doanh
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam bắt đầu được số hóa. Ứng dụng công nghệ bất động sản trở thành một phần không thể thiếu của thị trường bất động sản. Công nghệ mới giúp hoạt động kinh doanh bất động sản chuyển dịch theo xu hướng tích cực, với việc rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản.
Cụ thể, các sản phẩm công nghệ cao chính là công cụ tối ưu nhất hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm bất động sản, quản lý kinh doanh bất động sản…; đồng thời hỗ trợ tiện lợi, nhanh chóng trong giao dịch của doanh nghiệp. Hệ sinh thái công nghệ do doanh nghiệp cung cấp cũng giúp tìm kiếm, chào mời khách hàng của lực lượng môi giới hiệu quả hơn, chăm sóc hậu mãi tốt hơn.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ người dùng/khách hàng như: công nghệ thực tế ảo (VR), hay thực tế ảo tăng cường (AR) đã tạo điều kiện để người mua không tốn quá nhiều chi phí, mà vẫn tiếp cận với sản phẩm bất động sản dễ dàng và có những đánh giá sơ bộ. Bởi, thay vì đến tận nơi xem dự án, người mua có thể trải nghiệm hoàn chỉnh sản phẩm trên không gian 3D chân thực. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số còn hỗ trợ người mua tiếp cận được danh sách tài sản phù hợp nhu cầu, hoạch định khoản vay hợp lý, thậm chí là lịch sử thay đổi về giá…
Vì vậy, “Công nghệ thực tế ảo cho ngành bất động sản chắc chắn chiếm phần lớn trong mảng đầu tư công nghệ của lĩnh vực này. Nghiên cứu của Goldman-Sachs cho biết đến năm 2025, ước tính khoảng 1,4 triệu nhà môi giới bất động sản sử dụng công nghệ thực tế ảo VR – AR”, Vars thông tin.
Tuy nhiên, ngoài công cụ công nghệ cao, trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay, mạng xã hội cũng là một nền tảng hỗ trợ bán bất động sản và tiếp cận khách hàng. Điển hình như thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok trở thành kênh kinh doanh bất động sản phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Thuật toán của Tiktok đề cử những video theo sở thích của người dùng giúp môi giới bất động sản nhanh chóng xác định đối tượng khách hàng tiềm năng. Do vậy, hàng nghìn giao dịch có thể được kết nối thông qua ứng dụng này. Các giao dịch xuất phát từ tài khoản TikTok thậm chí có trường hợp chiếm toàn bộ công việc kinh doanh của một số môi giới.
Tận dụng sức mạnh công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc
Vars đánh giá, ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đã được doanh nghiệp khởi xướng và tạo nền tảng, với sự tham gia tích cực của nhà môi giới cá nhân. Nhiều ứng dụng chuyên biệt cho lĩnh vực bất động sản ra đời, hỗ trợ rất tích cực cho công việc của nhà môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và phát triển bất động sản.
Đặc biệt, đây là thời điểm quan trọng để nhà môi giới tham gia và giành lợi thế phát triển về lâu dài. Tuy nhiên, để không nằm ngoài “cuộc chơi”, nhà môi giới cần lựa chọn cho mình một nền tảng để khẳng định bản thân và tạo dựng, quảng bá thương hiệu cá nhân, tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả lẫn năng suất làm việc.
Chia sẻ bên lề hội nghị bất động sản gần đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng, việc áp dụng công nghệ số vào kinh doanh bất động sản nói chung, trong hoạt động môi giới nói riêng, hết sức cần thiết; là xu hướng tất yếu mà thế giới phát triển từ lâu.
“Những năm gần đây, chuyển đổi số đối với kinh doanh bất động sản bắt đầu được đặt ra. Trong thế giới số, mọi hoạt động kinh doanh đều cần thông tin nhanh, chính xác. Do vậy, công nghệ số nếu áp dụng sớm cho bất động sản, triển khai nhanh sẽ giúp ích cho chủ thể tham gia, kể cả nhà đầu tư, môi giới lẫn khách hàng. Mặt khác, nhà đầu tư có thể quan tâm ngược lại những nhu cầu mong muốn của khách hàng, từ đó đặt ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Chính vì thế, chuyển đổi số càng nhanh càng tốt để phục vụ cho hoạt động chung của thị trường bất động sản”, ông Khởi nói.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhấn mạnh lợi ích của việc chuyển đổi số là giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và quản lý, tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, tăng cơ hội kinh doanh, vượt qua thách thức trong bối cảnh mới. Đồng thời, làm gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tối ưu hóa quy trình hoạt động và trở thành xu hướng dẫn dắt thị trường trong tương lai, đóng góp một phần lớn vào việc giúp thị trường phát triển minh bạch.