Chiều 21/9/2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ 01/01/2018 đến 30/6/2022.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết có khoảng cách lớn giữa chính sách và việc thực thi, khiến cho nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, HUBA, cũng nêu vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp này. Chẳng hạn, các chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng trong năm 2020 tới nay là hỗ trợ hậu quả của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại không chủ động thực hiện việc tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.
Việc cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không thực hiện được do thiếu cơ chế và ngân hàng e ngại rủi ro mất vốn; việc thành lập tổ tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa thực hiện vì chưa có cơ chế thích hợp.
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn và thiếu cơ chế an toàn vốn nên không có nhiều khả năng cấp bảo lãnh tín dụng. TP.HCM cũng chưa lập dự toán ngân sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn…
Bà Lâm Thúy Ái, đại diện Công ty TNHH sản xuất – thương mại Mebipha, cho rằng các tiêu chí đề ra trong việc tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất quá khó để doanh nghiệp nhỏ đáp ứng…
Theo ông Nguyễn Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận 10, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là bị hạn chế về tài sản thế chấp hoặc không có tài sản thế chấp, nên chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi…
Đại diện cho các doanh nghiệp, HUBA kiến nghị Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bổ sung các quy định về chế tài, cơ chế kiểm tra, kiểm soát và nguồn ngân sách phù hợp sẽ là những điều kiện quan trọng để giúp Luật đi vào cuộc sống.
Đồng thời, đề nghị ngân hàng nhà nước nghiên cứu chính sách cho phép các ngân hàng thương mại được áp dụng chính sách ân hạn đến 3 năm (từ năm 2021 đến 2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Ghi nhận các ý kiến, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn và cần sự hỗ trợ về vốn từ ngân hàng hoặc từ các chương trình khác để duy trì hoạt động, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19. Các quy định cần nới lỏng hơn để dễ vay và tiếp nhận vốn hoặc đáo hạn, trả nợ.
“Sau hội nghị, đoàn sẽ trao đổi thêm với các sở ngành, ngân hàng nhà nước về vấn đề này để có buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp” bà Tuyết nói.
8% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được hỗ trợ
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị ảnh hưởng, rất cần sự hỗ trợ.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã triển khai được hơn 4 năm nhưng mới có dưới 8% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, 51,3% doanh nghiệp không biết đến luật này...