BRICS sớm giới thiệu đồng tiền mới?
Các nỗ lực của các quốc gia nhằm thay thế đồng USD của Mỹ trong thương mại quốc tế sẽ đạt một tầm cao mới khi các quốc gia trong khối BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) thảo luận về tính khả thi của việc giới thiệu một đồng tiền chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi vào cuối năm nay, các chuyên gia Trung Quốc cho biết vào cuối tuần trước. Chuyên gia cũng lưu ý rằng động thái này có thể là một bước tiến quan trọng chống lại quyền bá chủ của đồng USD.
Nhóm các quốc gia BRICS sẽ thảo luận về vấn đề này, có thể nó sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa các nguyên thủ quốc gia tại Johannesburg vào ngày 22 tháng 8, Bloomberg đưa tin, dẫn lời Ngoại trưởng Nam Phi.
Nhóm các quốc gia BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - chiếm một phần ba sản lượng kinh tế toàn cầu và tổng sản lượng của họ lớn hơn Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) theo một số thước đo, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận định.
Các chuyên gia cho biết mong muốn về một loại tiền tệ mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn và công bằng hơn trong thương mại quốc tế là mục tiêu chính của các quốc gia BRICS.
Zhou Yu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói với tờ Hoàn Cầu hôm 14/5 rằng cuộc thảo luận có thể là một nỗ lực thăm dò của các nước BRICS vì mục tiêu dài hạn của một đơn vị tiền tệ.
"Một đơn vị tiền tệ của BRICS không hoàn toàn là điều không thể," ông Zhou cho hay.
Yếu tố khiến đồng tiền của BRICS trở nên khả thi
Zhou cho biết, việc tạo ra một loại tiền tệ thống nhất cho một nhóm quốc gia thường mất nhiều thời gian và cần nhiều năm hợp tác, và cuối cùng đồng nghĩa với việc loại bỏ dần các loại tiền tệ địa phương, lấy sự ra đời của đồng euro làm ví dụ.
"Tuy nhiên, hiện tại nỗ lực của các quốc gia BRICS dường như tập trung vào việc tạo ra một đơn vị tiền tệ được sử dụng đặc biệt để giải quyết thương mại xuyên biên giới, chứ không phải là một đơn vị tiền tệ để thay thế các loại tiền tệ địa phương khác, điều này giúp giảm bớt khó khăn cho những nỗ lực đó và tăng tính hợp lý của nó," ông Zhou cho hay.
Theo báo cáo phương tiện truyền thông, khoảng 80% thương mại toàn cầu hiện được thanh toán bằng đô la Mỹ.
Trong chuyến công du Tây Ban Nha hồi cuối tháng 4, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết ông ủng hộ việc tạo ra một loại tiền tệ để giao dịch giữa các nước BRICS. Trước đó tại Thượng Hải, Trung Quốc, tổng thống Lula đã đặt câu hỏi tại sao các quốc gia nên ràng buộc với đồng đô la trong thương mại, Reuters cho hay.
Chuyên gia Zhou cho biết việc thanh toán bằng đồng nội tệ, vốn đã tăng nhanh trong những tháng gần đây, hiện là minh chứng cụ thể và quan trọng của các nước BRICS nhằm giảm bớt sự thống trị của đồng đô la trong thanh toán thương mại.
Theo báo cáo phương tiện truyền thông, hơn 70% thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã được thanh toán bằng đồng nội tệ. Vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov chỉ ra rằng, con số này đã tăng mạnh từ mức 30% trong khoảng 2 năm trước đây,
Tuần trước, công ty Suzano SA của Brazil, nhà sản xuất bột gỗ lớn nhất thế giới, nói rằng họ có thể chấp nhận đồng nhân dân tệ để xuất khẩu các sản phẩm của mình sang Trung Quốc, Bloomberg đưa tin.
Một hãng tin địa phương của Pakistan cũng chỉ ra rằng nước này cũng có thể sẽ dùng đồng nhân dân tệ để trả cho một lô hàng dầu thô của Nga.
Chuyên gia Zhou nhận định, khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ kết thúc các đợt tăng lãi suất và đồng USD bị ảnh hưởng thì xu hướng phi đô la hóa trên toàn thế giới sẽ tăng tốc. Các chuyên gia lưu ý rằng những diễn biến như vậy cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Gao Lingyun, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với tờ Hoàn Cầu, các nước BRICS đã bắt đầu tăng cường nỗ lực giải quyết thương mại bằng các loại tiền tệ khác, thể hiện qua việc quốc tế hóa nhanh chóng đồng nhân dân tệ.