Ngày 29/6, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu qua phá Tam Giang trên địa bàn huyện Phú Vang với tổng kinh phí hơn 1.023 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 3km, bao gồm cầu qua phá Tam Giang dài khoảng 1,4km, chiều rộng là 15,5m và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 1,6km, mặt cắt ngang 26m. Chiều dài tuyến bắt đầu từ điểm cuối đường Võ Phi Trắng (thị trấn Phú Đa) kéo dài đến điểm cuối giao Quốc lộ 49B tại Km68+450 (xã Vinh Xuân). Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào năm 2024 từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế và sẽ hoàn thành trong 4 năm.
Hệ thống giao thông kết nối từ thành phố Huế và thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) đi các xã ven biển hiện nay theo hai hướng gồm hướng đi theo tỉnh lộ 10D - tỉnh lộ 18 (qua cầu Trường Hà) và hướng đi theo tỉnh lộ 10A - Quốc lộ 49A (qua cầu Thuận An). Các tuyến giao thông hiện tại trên nền đường cũ, nhỏ hẹp, đi qua các khu vực đông dân cư, khó khăn trong thông thương đi lại của người dân.
Việc kết nối hiện trạng giao thông hai bờ Đông - Tây phá Tam Giang trên địa bàn huyện Phú Vang không được thuận lợi và hiện chỉ có hướng di chuyển qua cầu Trường Hà, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Do vậy, việc triển khai dự án cầu qua phá Tam Giang sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ở khu vực ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế, rút ngắn thời gian di chuyển của người dân các xã ven biển với vùng trung tâm và đặc biệt sẽ mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển du lịch biển, đầm phá của tỉnh.
Cũng trong ngày 29/6, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng khác như: Đồ án quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp số 2, 3 tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô...
Thời điểm cuối năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã khởi công dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương. Đây là dự án quan trọng được người dân Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là người dân ở khu vực thành phố Huế chờ đợi đã lâu. Dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện hơn 2.281 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 1 của dự án là xây dựng cầu vượt bắc qua sông Hương, với tổng mức đầu tư hơn 1.855 tỉ đồng (800 tỉ đồng lấy từ ngân sách trung ương, còn lại là ngân sách địa phương).
Cầu vượt sông Hương là cầu vòm thép có 5 nhịp, dài 380 mét, rộng 43 mét, 6 làn xe ô tô rộng 3,5 mét, 2 làn xe mô tô rộng 3,5 mét và các dải an toàn trên mỗi hướng xe chạy. Cầu có làn đi bộ rộng 3 mét được bố trí khác mức ở cả hai bên. Cầu có thiết kế vĩnh cửu, tốc độ xe chạy là 60km/h và thời gian xây dựng 3 năm. Đây là cây cầu thứ 5 ở thành phố Huế bắc qua sông Hương.
Theo kế của cầu vượt sông Hương lần này được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng "Hạc chầu Thiên Mụ", mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất cố đô linh thiêng. Sau khi hoàn thành việc xây cầu, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án là xây dựng, chỉnh trang đường Nguyễn Hoàng với chiều dài hơn 1km.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm thành phố Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây thành phố Huế; phát triển kinh tế-xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung, huy động mọi nguồn lực, từng bước đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kinh tế-xã hội; đưa toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh trước năm 2025.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương được khởi công cùng với các dự án được khởi công trước đó trong năm 2022 như: tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) là bước khởi đầu, cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, chủ trương của tỉnh Thừa Thiên - Huế và của Trung ương về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”.