Chứng khoán Việt Nam có giai đoạn hồi phục ấn tượng hơn 20% từ vùng đáy giữa tháng 11 đến nay trước khi bị điều chỉnh gần đây. Một trong những động lực chính thúc đẩy chỉ số đi lên đến từ dòng vốn mạnh mẽ của khối ngoại.
Bằng chứng rõ nhất khi giai đoạn tháng 10-11 chứng kiến dòng vốn nước ngoài, bao gồm cả các ETF và các quỹ chủ động, rót ròng khoảng 490 triệu USD vào chứng khoán Việt Nam, nhưng cũng bắt đầu giảm nhiệt gần đây.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, đánh giá đây là sự đảo chiều rất tích cực nếu so sánh đà rút ròng mạnh trước đó. Định giá giảm mạnh để phản ánh nhiều rủi ro ngắn và dài hạn đã giúp kích hoạt dòng tiền ngoại.
"Tôi nghĩ đó là điểm rất tích cực và nên tiếp tục theo dõi yếu tố này, mặc dù nó có thể không đều liên tục, nhưng sẽ có những thời điểm nó mang lại cú hích cho thị trường Việt Nam", bà nói trong Talkshow Chọn danh mục.
Vốn ngoại chủ yếu bao gồm 2 nhóm lớn là các quỹ chủ động và các quỹ ETF đầu tư thụ động. Các quỹ chủ động có tầm nhìn dài hạn trong khi ETF có thời hạn đầu tư tương đối ngắn và có thể đảo chiều nhanh.
Chúng tôi không quan sát thấy việc đảo chiều dòng vốn ETF diễn ra quá bất ngờ. Nhất là khi thị trường đang bị định giá thấp càng không kỳ vọng có những sự đảo chiều quá nhanh sau khi có dòng vốn mới giải ngân mạnh mẽ.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research.
Tuy nhiên, chuyên gia SSI nói rằng không nhận thấy dòng vốn ETF đảo chiều quá bất ngờ gần đây. Nhất là khi thị trường đang bị định giá thấp thì sẽ khó có sự đảo chiều nhanh sau khi dòng tiền mới giải ngân mạnh mẽ.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư quỹ VESAF - VinaCapital, cũng đánh giá cao tính dẫn dắt của dòng vốn ngoại khi thị trường giảm sâu và sự giảm bán ròng của nhà đầu tư trong nước là yếu tố hỗ trợ VN-Index hồi phục.
Theo đó, định giá hấp dẫn khi chỉ số rơi về mức thấp đã phản ánh khá nhiều những rủi ro của nền kinh tế, bất kỳ tin tức tích cực nào cũng có thể giúp thị trường hồi phục, giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
Chuyên gia từ VinaCapital nhận định rủi ro giảm điểm mạnh ở thời điểm hiện tại đã không còn nhiều. Thị trường vẫn đang dao động trong biên độ hẹp nên có dư địa hồi phục nếu các yếu tố hỗ trợ kinh tế và thị trường được phản ánh trong các tháng tới.
Các quỹ thuộc VinaCapital xuyên suốt các năm qua không thay đổi nhiều chiến lược mà chỉ thay đổi về mặt tỷ trọng cổ phiếu, tiền mặt, hoặc phân bổ lại tỷ trọng vào các công ty có mức rủi ro cao hay là phòng thủ…
"Nếu 2022 chúng tôi cảm thấy bi quan và phòng thủ hơn, thì 2023 mức độ phòng thủ giảm đi nhiều, chúng tôi tăng tỷ trọng cổ phiếu hơn", bà nói về chiến lược quản trị rủi ro và tăng tốc khi phục hồi.
Nhà đầu tư ngoại vẫn luôn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn, dựa trên những lợi thế cạnh tranh về dân số năng động, khả năng thu hút FDI... và những yếu tố này vẫn được giữ vững ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Chuyên gia VinaCapital nhận định những biến động vừa qua là rủi ro ngắn hạn và khối ngoại xem đây là cơ hội để tăng giải ngân ở thị trường Việt Nam với một mức giá hấp dẫn, có một không hai trong lịch sử.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, sức mua của người tiêu dùng thay đổi như thế nào, thanh khoản ngân hàng và chất lượng tài sản ra sao khi thị trường bất động sản chậm lại...