Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục được nâng đỡ từ dòng vốn ngoại với chuỗi mua ròng lịch sử. Nhà đầu tư nước ngoài vừa rót ròng thêm 447 tỷ đồng tại sàn HoSE, hơn 25 tỷ trên HNX và 2 tỷ đồng trên UPCoM.
Các cổ phiếu được khối ngoại tập trung gom nhiều nhất là HPG của Hòa Phát (115 tỷ), STB của Sacombank (71 tỷ), CTG của VietinBank (50 tỷ) hay VHM của Vinhomes (40 tỷ)...
Đây đã là phiên mua ròng thứ 15 phiên liên tiếp trên sàn chứng khoán lớn nhất với tổng giá trị gần 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng vốn này đã có dấu hiệu suy giảm cả về chiều mua và chiều bán, khi trước đó khối ngoại có nhiều phiên mua ròng nghìn tỷ hay thậm chí lên đến 2.600 tỷ đồng (phiên 29/11).
Theo nhiều chuyên gia, vốn ngoại đổ mạnh từ Việt Nam thời gian qua phần nhiều đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng như dòng tiền từ chứng chỉ P-notes.
Xu hướng rót vốn mạnh cũng được cho là định giá của thị trường Việt Nam đã rơi về vùng hấp dẫn và những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn 5-10 năm tới, do đó quan tâm đến tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam.
Động lực từ khối ngoại giúp thị trường vẫn giữ được xu hướng tích cực trước áp lực chốt lời ngắn hạn. VN-Index trong phiên cuối tuần dù có nhiều giằng co vẫn kết phiên trong sắc xanh.
Chỉ số đại diện sàn HoSE ghi nhận mức tăng 1,28 điểm (0,12%) lên mức 1.051,81 điểm. Trong khi đó HNX-Index tăng tốt hơn 1,63 điểm (0,76%) lên 217 điểm và ngược lại UPCoM đi xuống 0,03% còn 71,6 điểm.
Đóng góp chủ lực cho chỉ số bất ngờ đến từ nhóm cổ phiếu ngành hàng không. Trong đó VJC của Vietjet tăng 4,2% lên 111.500 đồng, thậm chí HVN của Vietnam Airlines tăng trần ở 11.750 đồng, VTR của Vietravel có thêm 1,4% lên 21.200 đồng.
Đà bứt phá đến sau thông tin Vietnam Airlines mở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc sau 3 năm gián đoạn. Hãng hàng không quốc gia sẽ nối lại 3 đường bay đến Trung Quốc, qua đó khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế quan trọng.
Những cổ phiếu có đóng góp quan trọng khác cho việc giữ chỉ số ở sắc xanh đáng kể như HPG của Hòa Phát tăng giá 1,6%, EIB của Eximbank tăng trần, MSN của Masan có thêm 1% hay GVR của tập đoàn Cao su đi lên 2,4%.
Đối lập là sắc thái tiêu cực đến từ nhóm Vingroup bị bán chốt lời mạnh mẽ sau giai đoạn tăng nóng. Trong đó mã chủ lực VIC quay đầu giảm đến 3% về 67.800 đồng, hay VHM của Vinhomes đi lùi 2,3% còn 54.100 đồng.
Tiếp theo đó là trạng thái tiêu cực của cổ phiếu Novaland (NVL) với phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp về 16.650 đồng khiến những nhà đầu tư tham gia giải cứu trước đó thua lỗ nặng. Hay trường hợp khác là IBC của Apax Holdings tiếp tục chìm trong áp lực lớn với phiên giảm sàn thứ 15 liên tiếp về 6.120 đồng.
Thị trường phiên cuối tuần diễn biến khá cân bằng với sự phân hóa cao. Toàn sàn có 487 mã tăng giá, 456 mã giảm giá và 217 mã đứng tại mức tham chiếu.
Thanh khoản thị trường do đó cũng bị suy giảm do thiếu động lực từ cả bên mua và bên bán. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 12.948 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với phiên liền trước.