Sau giai đoạn bất ngờ bán ròng kéo dài từ giữa tháng 2 đến hết tuần đầu tiên của tháng 3, khối ngoại đã trở lại mua ròng liên tiếp trong 6 phiên gần nhất trên HoSE với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng. Dù vậy, tính chung trong một tháng trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 1.000 tỷ đồng.
Xu hướng trên phần nào đó đến từ động thái “quay xe” của nhà đầu tư Thái Lan. Sau khi liên tục được mua gom và lập đỉnh vào giữa tháng 2, lượng chứng chỉ quỹ ETF Việt Nam trong tay người Thái đã đảo chiều giảm mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tính đến ngày 13/3, lượng chứng chỉ lưu ký DR dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) do Bualuang Securities phát hành đã giảm xuống còn 172,8 triệu đơn vị, giảm 11,7 triệu đơn vị so với đỉnh cách đây một tháng và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.
Tương tự, lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30) cũng đã giảm gần 24 triệu đơn vị trong một tháng qua, xuống còn 230,2 triệu đơn vị. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 22/11/2022
Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan hiện đang gián tiếp sở hữu 172,8 triệu chứng chỉ quỹ FUEVFVND và 230,2 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30.
Nhà đầu tư Thái Lan vẫn đứng ngoài cuộc chơi khiến dòng tiền vào bộ đôi ETF của DCVFM tiếp tục suy yếu. Từ đầu tháng 3, DCVFM VNDiamond ETF bị rút ròng 70 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Sự suy yếu của dòng tiền vào ETF này đã kéo dài sang tháng thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, DCVFM VN30 ETF chưa bị rút vốn nhưng giá trị dòng tiền vào gần như không đáng kể. Từ đầu tháng 2 đến nay, ETF này mới chỉ hút ròng 29 tỷ đồng, chưa bằng phần lẻ của tháng đầu năm 2023.
Thời điểm hiện tại, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF vẫn là 2 ETF nội có quy mô lớn nhất tại TTCK Việt Nam, với giá trị tài sản ròng (NAV) tương ứng đạt 18.300 tỷ và 8.300 tỷ đồng.
DCVFM VNDiamond ETF tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond gồm toàn cổ phiếu hết room trong khi DCVFM VN30 ETF mô phỏng theo VN30 – nhóm vốn hóa lớn nhất HoSE theo tỷ lệ freefloat.
Trong khi DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF chững lại, sự chú ý đang được đổ dồn vào các ETF ngoại. Ngày 15/3 tới đây, Fubon FTSE ETF sẽ bắt đầu đợt huy động bổ sung lần thứ 5 với số tiền được phê duyệt là 5 tỷ TWD (~160 triệu USD). Như vậy, sau nhiều đồn đoán, ETF này sẽ sớm rót thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu Việt Nam.
Bên cạnh đó, VNM ETF sẽ chính thức thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index (88,9% cổ phiếu Việt Nam) sang MVIS Vietnam Local Index (100% cổ phiếu Việt Nam) từ ngày 17/3/2023. Quy mô danh mục của ETF này hiệnđạt khoảng 500 triệu USD. Ước tính, VNM ETF sẽ mua thêm khoảng 55 triệu USD (~1.300 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam trong tuần này.
Động thái này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường trong bối cảnh các quỹ chủ động đang có động thái xả hàng “ồ ạt” thời gian gần đây. Điển hình như nhóm Dragon Capital đã liên tục bán ra, đặc biệt là quỹ tỷ USD VEIL sau khi “full” cổ phiếu vào trung tuần tháng 1.
Một trong những yếu tố khiến lực mua của khối ngoại suy yếu đến từ mức định giá không còn thực sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam, đặc biệt sau mùa báo cáo quý 4 với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm sâu. Dù thị trường liên tiếp điều chỉnh gần đây nhưng P/E của VN-Index vẫn ở mức xấp xỉ 12 lần, cao hơn đáng kể so với đáy.
Suy thoái kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp thời gian tới. Với nền so sánh cao cùng kỳ, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nhiều khả năng sẽ còn giảm sâu trong quý 1 và xa hơn có thể là cả năm 2023. Điều này sẽ khiến định giá thị trường đã không thật sự rẻ lại càng thêm đắt và trở thành rào cản đối với việc thu hút dòng vốn ngoại trong ngắn hạn.