Khối ngoại đã có một phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay với giá trị bán ròng lên tới 2.400 tỷ đồng. Dù nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã miệt mài bán suốt từ đầu năm với giá trị ròng lên tới 53.000 tỷ đồng song những phiên bán đột biến tiếp tục "tra tấn" tinh thần nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, dữ liệu của VnEconomy cho thấy, tình hình bán của khối ngoại không thực sự "bi đát" như thị trường thể hiện.
Trong tổng số giá trị bán ròng của khối ngoại chủ yếu là do thỏa thuận. Nhóm này đã bán ròng thông qua thỏa thuận 1.161 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay.
Top các cổ phiếu bị bán ròng mạnh thông qua thỏa thuận như HDB bị bán ròng 449 tỷ đồng, SAB bị bán ròng 192 tỷ đồng trong đó bán qua thỏa thuận 176 tỷ đồng; MSN bị bán ròng 161 tỷ trong đó bán qua thỏa thuận...
Nhận định về động thái bán ròng của khối ngoại phiên giao dịch hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích và nghiên cứu khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng đây đơn giản là hành động chuyển đổi danh mục cổ phiếu của một số quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan sang một quỹ nội khác, nhưng không làm thay đổi quyền sở hữu.
Tức là, thay vì trực tiếp nắm giữ số lượng cổ phiếu trong danh mục, các quỹ này sẽ gửi sang một quỹ khác trong nước. "Đây là giao dịch thỏa thuận, bản chất vẫn là quỹ đó nắm giữ cổ phiếu, không ảnh hưởng gì đến thị trường", ông Minh nói.
Sở dĩ có điều này là vì, từ đầu năm 2024 đến nay, Thái Lan ra quy định mới cho phép các cơ quan chức năng đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các cá nhân nếu họ là cư dân Thái Lan tối đa 180 ngày/năm và kiếm thu nhập ở nước ngoài từ công việc hoặc tài sản trong năm đánh giá cụ thể.
Để tránh bị ảnh hưởng bởi quy định mới, các quỹ đầu tư tư nhân của Thái Lan đã tìm cách chuyển số cổ phiếu trong danh mục sang các quỹ nội địa. Đơn cử như Private Fund model VN Alpha - InnovestX quy mô lớn với hiệu suất vượt trội so với VN-Index đã "né thuế" bằng phương pháp này.
Private Fund model VN Alpha - InnovestX đầu tư vào Việt Nam từ tháng 4/2021 với tổng tài sản hiện tại lên tới 4.705 tỷ đồng. Lịch sử cho thấy, năm 2021, hiệu suất của quỹ lên tới 27,7%; năm 2022 khi hàng loạt quỹ ngoại lỗ nặng thì VN Alpha cũng chỉ bốc hơi 15,7% so với mức giảm 32,8% của Vn-Index.
Năm 2023, hiệu suất của quỹ cũng vượt trội 15,2% so với VN-Index 12,2%. Tại thời điểm cuối tháng 4, hiệu suất của quỹ 14,2% so với mức tăng 7% của VN-Index.
Top 5 cổ phiếu của Alpha nắm giữ gồm HDB với tỷ trọng 21%; STB tỷ trọng 14%; CTG tỷ trọng 12%; CMG tỷ tọng 8%. Đây cũng là những cổ phiếu có giá trị bán ròng thông qua thỏa thuận lớn hôm nay, trong đó HDB bán ròng qua thỏa thuận 449 tỷ đồng; STB bán ròng thỏa thuận 318 tỷ đồng; CMG bán ròng thỏa thuận 11 tỷ đồng;
"Với hiệu suất vượt trội như vậy, không có lý do gì để quỹ này bán và rời khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây chỉ đơn thuần là nghiệp vụ kỹ thuật, chuyển từ quỹ Thái Lan nắm giữ sang quỹ nội để né thuế", chuyên gia của Yuanta nói.
Người quản lý quỹ VN Alpha tại Việt Nam vừa lên tiếng trấn an nhà đầu tư về giao dịch đột biến của khối ngoại trong phiên giao dịch hôm nay. Vị này nói: "Chúng tôi chỉ đang tái cấu trúc quỹ của mình để quản lý một số vấn đề thuế ngoại hối cho khách hàng của chúng tôi.
Lượng bán ròng có thể sẽ tiếp tục cao hơn trong vài tuần nữa cho đến khi chúng tôi hoàn tất giao dịch. Nhưng không cần lo lắng, đây không phải là một đợt bán tháo hay rút khỏi Việt Nam. Tôi vẫn đang ở đây, điều hành quỹ hết công suất, và không có kế hoạch nghỉ hưu nào trong tương lai gần", vị này nhấn mạnh.
Hiệu suất của VN Alpha luôn vượt trội so với VN-Index.
Những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong T6/2024 bao gồm MBB, MSN, HAH, PC1 và IDC. Ở chiều ngược lại, các mã được các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong T6/2024 là các mã FPT, CCQ FUEVFVND, VHM, MWG và VRE.
Theo SSI Research, trong 2 tháng bán ròng mạnh gần đây của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị bán ròng của các ETF chỉ tương đương khoảng 15% tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó có thể thấy việc bán ròng mạnh gần đây của nhà đầu tư nước ngoài không phải chủ yếu đến từ việc bán ròng của các ETF.
Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong thời gian gần đây có thể đến từ việc đồng USD vẫn đang mạnh lên tiếp tục gây áp lực mất giá lên VND. Và nguyên nhân thứ 2 có thể đến từ sự luân chuyển dòng vốn trên toàn cầu trong đó ròng vốn ngoại vẫn tiếp tục bị rút ra khỏi các thị trường tăng trưởng yếu như Trung Quốc và Việt Nam để phân bổ vào những thị trường hiệu quả hơn như thị trường Mỹ.