Theo nghiên cứu của Financial Times, ít nhất 16 tàu trong đội "tàu ma" từng giúp Iran lách các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bắt đầu vận chuyển dầu của Nga trong 2 tháng qua. Trước đó, chỉ có 9 tàu thay đổi tuyến đường để chở dầu Nga trong 9 tháng kể từ khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Các nhà phân tích và môi giới tàu biển cho biết Nga đang đưa ra những yêu cầu hấp dẫn về phí bảo hiểm với các chủ tàu, nhà khai thác, trong bối cảnh nước này tìm cách "bảo toàn" nguồn doanh thu xuất khẩu chính của mình. Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga ước tính sụt giảm rõ rệt so với mức trước khi mâu thuẫn xảy ra.
Svetlana Lobaciova - nhà phân tích tàu chở dầu tại hãng môi giới tàu EA Gibson ở London, cho hay: "Chúng tôi đã thấy một số tàu tham gia vào hoạt động thương mại của Nga, khi trước đây họ vận chuyển các thùng dầu của Iran."
Ông nói thêm: "Phí bảo hiểm vận chuyển của Nga cao hơn ít nhất 50% so với giá thị trường thông thường và thậm chí có trường hợp còn hơn 100%, hấp dẫn hơn so với việc vận chuyển dầu của Iran."
Số thùng dầu các "tàu ma" củan Iran chở dầu của Nga (triệu thùng).
Việc cạnh tranh giữa các tàu có thể là nguồn cơn gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa 2 nước. Song, Matthew Wright, nhà phân tích tại công ty phân tích và dữ liệu Kpler, cho biết: "Việc số lượng ‘tàu ma’ thuộc sở hữu của các thực thể bí ẩn tăng lên cho phép họ né tránh các lệnh trừng phạt và hỗ trợ trong việc tìm nguồn cung."
Những căng thẳng trong thị trường tàu chở dầu được dự đoán sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những tuần tới. Các biện pháp trừng phạt của EU và mức giá trần của G7 đều được mở rộng sang xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga như dầu diesel vào xăng, có hiệu lực vào Chủ nhật.
Nga đã phải điều hướng lại rất nhiều tàu chở dầu thô sang châu Á, sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga sang EU bằng đường biển có hiệu lực vào ngày 5/12. Nước này sẽ cần vận chuyển dầu diesel và các loại nhiên liệu khác với khoảng cách xa hơn khi lệnh cấm tương tự sắp được áp dụng.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga ít gay gắt hơn so với nhắm vào Iran. Mức giá trần của G7 được đặt ra một phần để hạn chế doanh thu của Điện Kremlin song vẫn duy trì đủ lượng dầu của Nga trên thị trường để tránh tình trạng thiếu hụt.
Các nhà môi giới tàu biển cho biết các điều khoản khiến giao dịch của Nga hấp dẫn hơn so với giao dịch với Iran hoặc các quốc gia bị trừng phạt nghiêm ngặt khác như Venezuela. Các chủ tàu và điều hành tàu ít có khả năng vi phạm các biện pháp này, nếu chứng mình được họ đã thông báo rằng nhiên liệu của Nga đã được bán dưới mức giá trần.
Phân tích của FT cho thấy khối lượng dầu thô của Nga được vận chuyển trên các tàu được xác định là một phần của "đội tàu ma" đã tăng từ dưới 3 triệu thùng trong tháng 11 lên hơn 9 triệu thùng trong tháng 1.
Một nhà môi giới cho hay, dù một số nhà khai thác tàu chở dầu lớn vẫn tránh giao dịch dầu với Nga, như các công ty khai thác dầu lớn ở phương Tây và các nhà khai thác tàu của Mỹ, song lại có nhiều bên sẵn sàng nhập khẩu vì mức giá hấp dẫn và hiệu lực của các lệnh trừng phạt có độ trễ.
Tổ chức này cho biết: "Ai cũng ‘nhúng chàm’. Ranh giới giữa thị trường xám và thị trường tàu chở dầu thông thường chắc chắn đã trở nên mờ nhạt trong năm vừa qua."
Một số tàu hiện đang chạy trên tuyến đường của Nga là những tàu trước đây được xác định là có khả năng thuộc "đội tàu trong bóng tối" của chính Moscow. Các nhà môi giới tàu ước tính đội này có khoảng 100 tàu.
Claire Jungman, chánh văn phòng UANI, cho biết: "Việc sở hữu các đội ‘tàu ma’ rất không rõ ràng và được ‘nguỵ trang’ thông qua nhiều công ty vỏ bọc thay đổi liên tục để tránh các lệnh trừng phạt."
Dầu của Nga vẫn đang vận chuyển trên các tàu chở dầu với các điều khoản bảo hiểm của phương Tây nhưng chỉ áp dụng với dầu được mua thấp hơn giá trần. Giá dầu thô Ural của Nga đã giảm xuống mức thấp hơn 30-40 USD/thùng so với giá các loại dầu thô quốc tế như Brent.
Các thùng dầu của Nga từ Biển Baltic đến Biển Đen đã giảm giá mạnh, một phần là để chi trả phí vận chuyển và do các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với mức giá thấp hơn cho các thùng từng được chuyển đến EU.
Lobaciova cho biết hoạt động vận chuyển dầu của Nga dường như sinh lợi hơn vì không có sự chậm trễ đáng kể, không giống như hàng hóa của Iran vốn mất nhiều thời gian để "che đậy" nguồn gốc.
Hiện tại, các nhà máy lọc dầu ở những quốc gia như Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu lớn của Iran, nhưng họ cũng để các tàu chở dầu Iran chờ đợi rất lâu. Bà cho hay: "Đôi khi chúng tôi quan sát thấy các tàu chở dầu của Iran phải đợi hàng tháng trời, điều này lại không xảy ra với các tàu chở dầu của Nga."
Tham khảo FT