Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp vào tuần trước. Ở đầu dây bên kia, 3 quan chức hàng đầu của Thụy Sĩ đưa ra tối hậu thư: Tập đoàn UBS cần giải cứu đối thủ đang sụp đổ - Credit Suisse.
Đối với bất cứ quốc gia nào, đó là một trường hợp khẩn cấp về tài chính. Đối với Thụy Sĩ, lĩnh vực trụ cột của họ đang ở ranh giới của sự sống còn.
Mô hình kinh tế và bản sắc dân tộc của Thụy Sĩ được vun đắp qua nhiều thế kỷ, và được xây dựng trên cơ sở bảo vệ sự thịnh vượng của thế giới. Vì vậy, cuộc khủng hoảng không chỉ là về một ngân hàng. Bản thân Thụy Sĩ cần được giải cứu.
Đó là vào hôm 16/3, chỉ 24 giờ sau khi cuộc khủng hoảng ngân hàng leo thang và Credit Suisse dần cạn kiệt tiền gửi. Tổ chức tài chính 167 tuổi dường như chỉ còn vài ngày nữa là phá sản.
Các cơ quan quản lý của Mỹ và Anh đã phải gọi cho đối tác Thụy Sĩ để đảm bảo rằng họ không để Credit Suisse đánh sập thị trường toàn cầu. Qua WhatsApp, một số nhà ngoại giao Thụy Sĩ lo lắng hỏi nhau liệu họ có nên chuyển tiền gửi ở Credit Suisse hay không.
Sau hàng loạt cuộc gọi điên cuồng và các cuộc họp do chính phủ tổ chức tại Bern, UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD. Để đạt được thỏa thuận, chính phủ Thụy Sĩ, vốn cam kết sau cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ không bao giờ sử dụng tiền công để cứu ngân hàng, đã vội vàng viện dẫn đạo luật khẩn cấp để làm điều đó.
“Credit Suisse không chỉ là một công ty Thụy Sĩ. Đó là một phần của bản sắc Thụy Sĩ”, Thierry Burkart, người đứng đầu đảng Tự do cánh hữu, cho biết.
“Sự phá sản của một ngân hàng Thụy Sĩ toàn cầu sẽ có tác động ngay lập tức ở mọi nơi. Sẽ có những thiệt hại về lâu dài và nặng nề đối với uy tín Thụy Sĩ”, ông nói.
Thách thức chồng chất
Vẫn chưa rõ liệu Thụy Sĩ có kiểm soát được hoàn toàn thiệt hại hay không. Trước đây, việc có hai ngân hàng đẳng cấp thế giới được coi là biện pháp an toàn để duy trì vị thế của nước này trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, cuộc “hôn nhân ép buộc” khiến kinh tế Thụy Sĩ giờ chỉ còn phụ thuộc vào một ngân hàng và làm lung lay niềm tin người dân vào mô hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Quốc gia có dãy núi Alps tự coi mình là trường hợp đặc biệt ở châu Âu: Một nhà môi giới trung lập với các ngân hàng cung cấp nơi trú ẩn an toàn kín đáo cho nhà đầu tư và giới giàu có trên khắp thế giới.
Hệ thống ngân hàng của nó lớn gấp 5 lần tổng sản phẩm quốc nội và lớn hơn hầu hết nền kinh tế. UBS kết hợp với Credit Suisse có bảng cân đối kế toán lớn gấp đôi nền kinh tế Thụy Sĩ.
Thế nhưng, trải qua nhiều năm, chủ nghĩa ngoại lệ của Thụy Sĩ dần giảm đi. Sau năm 2008, Mỹ ban hành luật yêu cầu các ngân hàng Thụy Sĩ chuyển thông tin về khách hàng Mỹ cho Sở Thuế vụ nước này - đòn giáng mạnh vào bí mật ngân hàng.
Mối quan hệ với Liên minh châu Âu cũng trở nên căng thẳng sau khi Thụy Sĩ rút lui khỏi các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm nhằm ràng buộc nước này chặt chẽ hơn với khối thương mại.
Không chỉ vậy, Thụy Sĩ đang đấu tranh để bảo vệ chính sách trung lập 200 năm trước cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Vụ việc Credit Suisse càng khiến nước này khó khăn. Đại sứ Mỹ tuần trước cho biết Thụy Sĩ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II. Các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Credit Suisse đang suy nghĩ lại về việc đầu tư.
“Mọi thứ đáng nhẽ đều có thể tránh được. Chúng tôi đã được thông báo vào tuần trước rằng mọi thứ đều ổn”, Roger Köppel, thành viên của đảng Nhân dân Thụy Sĩ cánh hữu, nói. “Nhưng rồi thực tế trở lại và giáng đòn mạnh lên Thụy Sĩ”.
"Câu giờ" để tìm giải pháp
Sau nhiều năm bê bối và thua lỗ, Credit Suisse luôn phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng niềm tin từ khách hàng.
Trải dài từ thời Đức Quốc xã, Credit Suisse đã là nơi cất giữ tiền cho các khách hàng đáng ngờ bên cạnh “danh sách A” gồm tỷ phú, quỹ tài sản có chủ quyền và dòng tộc. Trong thỏa thuận năm 2014 với Bộ Tư pháp Mỹ, ngân hàng đã trả 2,6 tỷ USD và thừa nhận từng giao tiền mặt, tiêu hủy tài liệu để giúp một số người Mỹ che giấu tài sản không bị đánh thuế.
Trong 3 tháng cuối năm 2022, khách hàng đã rút tổng cộng 110 tỷ USD từ ngân hàng, theo Reuters. Ngay cả sau khi tăng vốn 4 tỷ USD vào cuối năm ngoái để tái cấu trúc sâu hơn, Credit Suisse chỉ giao dịch ở mức 20% giá trị sổ sách.
Cổ phiếu của ngân hàng tiếp tục rơi tự do sau khi chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại hội nghị tài chính ở Riyadh, cho biết họ sẽ không đầu tư thêm.
“Hoàn toàn không”, ông nói, trích dẫn quy tắc hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu. Vào thời điểm đó, SNB sở hữu 9,9% cổ phần của Credit Suisse trên mức trần là 10%.
Thế nhưng, tất cả điều thị trường nghe được là cổ đông lớn nhất của Credit Suisse sẽ không ủng hộ nó. Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann, cũng tại hội nghị Riyadh, đã vội vã quay trở lại Zurich.
Credit Suisse sau đó kêu gọi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Cơ quan giám sát thị trường tài chính (Finma) xoa dịu thị trường bằng thông điệp hỗ trợ.
Tối hôm 15/3, Credit Suisse cũng nhận được dòng thanh khoản trị giá hơn 50 tỷ USD từ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, khách hàng của Credit Suisse vẫn ồ ạt rút tiền gửi.
Bà Karin Keller-Sutter, bộ trưởng Tài chính, cho biết các nhà chức trách đã chuyển sang cung cấp hơn 150 tỷ USD thanh khoản bổ sung cho ngân hàng. Chính phủ không tiết lộ động thái này, với hy vọng giữ cho Credit Suisse tồn tại cho đến cuối tuần, khi một giải pháp lâu dài có thể được tìm ra.
"Vì lợi ích tốt nhất của Thụy Sĩ"
Cách Credit Suisse không xa ở trung tâm Zurich, các giám đốc điều hành tại UBS đã chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp họ được kêu gọi giúp đỡ. Trong nhiều năm, chuyên gia tư vấn quản lý của UBS đã vạch ra kịch bản cùng những gì ngân hàng này sẽ yêu cầu từ chính phủ như biện pháp phòng ngừa.
UBS nợ chính phủ. Ngân hàng này từng là vấn đề của Thụy Sĩ.
Là kết quả của sự hợp nhất vào cuối những năm 1990 giữa Swiss Bank Corp. và Union Bank of Switzerland, UBS phát triển nhanh chóng trong thời kỳ bùng nổ ngân hàng những năm 2000, mở ra sàn giao dịch lớn hơn cả một sân bóng đá ở Stamford, Connecticut (Mỹ).
Tuy nhiên, nó cần tới gói cứu trợ của chính phủ Thụy Sĩ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do thua lỗ đối với chứng khoán.
Tới hôm 16/3, Bộ trưởng Tài chính Karin Keller-Sutter, người đứng đầu ngân hàng trung ương Thomas Jordan và Finma Marlene Amstad đã gọi điện cho chủ tịch UBS Colm Kelleher để đưa ra hai lựa chọn mà thực sự chỉ có một.
Thông điệp rất rõ ràng: UBS sẽ nhanh chóng tiếp quản Credit Suisse, hoặc Credit Suisse phá sản, có khả năng khiến UBS và các ngân hàng khác sụp đổ.
Chủ tịch và giám đốc điều hành của UBS cùng Credit Suisse ngay hôm sau đã có cuộc họp nhanh với bộ trưởng Tài chính và được thông báo rằng thỏa thuận được ký vào ngày 19/3.
Trong bối cảnh đó, một số cổ đông lớn của Credit Suisse ở vùng Vịnh, trong đó có SNB, lo ngại họ sắp mất toàn bộ khoản đầu tư. Họ gọi điện cho quan chức Thụy Sĩ, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng chính phủ, viết thư lập luận lợi ích của họ có nguy cơ bị chà đạp.
Trong bối cảnh đó, các giám đốc điều hành Credit Suisse băn khoăn liệu họ có thể đạt được thỏa thuận thông qua cổ đông hay không. 1/3 cổ phần được nắm giữ bởi bộ ba nhà đầu tư vùng Vịnh.
Chính phủ sau đó tìm ra giải pháp. Họ đã thông qua đạo luật cho phép thỏa thuận được chấp thuận mà không cần bỏ phiếu của cổ đông.
Tới sáng 19/3, các cổ đông vùng Vịnh đưa ra đề xuất cuối cùng cho hội đồng quản trị của Credit Suisse. Họ sẽ bơm khoảng 5 USD, giữ cho ngân hàng Thụy Sĩ ổn định và sau đó bán bớt các bộ phận khác theo thời gian.
Ông Lehmann gọi điện cho bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ. Thế nhưng, UBS vẫn là lựa chọn duy nhất, ông được cho biết trước khi cuộc gọi bị ngắt.
Cuối cùng, vào cuối chiều 19/3, UBS đồng ý trả hơn 3 tỷ USD - ít hơn một nửa giá trị thị trường của Credit Suisse vào hôm 17/3. Điều quan trọng là các nhà quản lý Thụy Sĩ sẽ xóa 17 tỷ USD cho loại trái phiếu rủi ro nhất của Credit Suisse.
“Bất kỳ giải pháp nào khác cũng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính”, bà Keller-Sutter cho biết.
Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận, ông Kelleher cho biết việc UBS mua Credit Suisse là vì lợi ích tốt nhất của Thụy Sĩ.