Một người đàn ông trẻ ngồi trên băng ghế ở ga tàu điện ngầm của thành phố New York (Mỹ), quay clip bàn luận về trào lưu "quiet quitting". Anh khẳng định "giá trị con người bạn không được xác định bởi sức lao động của bạn". Clip này nhanh chóng viral.
Thời gian gần đây, nhiều người đã quen với cụm từ "quiet quitting" (tạm dịch: âm thầm nghỉ việc) - cụm từ bùng nổ trên mạng xã hội nhờ Gen Z. Thuật ngữ này có nghĩa người lao động chỉ hoàn thành công việc ở mức tối thiểu được yêu cầu và trả lương, họ làm tốt công việc nhưng từ chối tăng ca.
Theo Insider, quiet quitting thực tế không phải xu hướng mới mẻ. Nó đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ, dưới những tên gọi khác nhau.
Gen X (sinh khoảng năm 1965-1980) gọi nó là "slacking off" - khi người lao động trở nên lười biếng hoặc làm việc kém hiệu quả hơn bình thường, tựa như sợi dây đang căng thì chùng xuống. Trong khi đó, thế hệ millennials (nhóm sinh từ năm 1981 đến giữa thập niên 1990) gọi xu hướng này là "thiết lập ranh giới".
Điểm chung là cả 3 thế hệ đều tìm cách giải thoát mình khỏi nhịp công việc hối hả.
Thoát khỏi văn hóa hối hả
Quiet quitting diễn ra giữa đại dịch, bất ổn về xã hội lẫn kinh tế. Nó xuất hiện trong bối cảnh số người nghỉ việc cao kỷ lục và người lao động yêu cầu nhiều thứ hơn từ một công việc: tiền bạc, tính linh hoạt, sự tự chủ và khả năng làm việc từ xa.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là tâm lý độc hại. Arianna Huffington, Giám đốc điều hành và người sáng lập của Thrive Global, đã phê phán "quiet quitting" là thuật ngữ cần phải loại bỏ, bởi chỉ có "thúc đẩy bản thân vượt qua mức tối thiểu mới là cách chúng ta phát triển, đi lên và nâng cao năng lực của mình".
Insider đã tập hợp 3 thế hệ phóng viên và biên tập viên để trò chuyện, nhằm hiểu hơn về xu hướng âm thầm rời công sở, phân tích tại sao nó lại trở thành chủ đề có các quan điểm phân cực đến như vậy.
Cuộc trò chuyện gồm: Ebony Flake, Rebecca Knight và Tim Paradis là 3 đại diện cho Gen X; Shana Lebowitz là một người thuộc thế hệ millennials; và Rachel DuRose, một Gen Z.
Tim Paradis cho rằng quiet quitting mang ý nghĩa khác nhau với những người khác nhau, nhưng nó không phải hiện tượng mới.
Rebecca Knight cũng đồng quan điểm. Các thế hệ trước gọi hiện tượng này là "chùng xuống" hay "suy sụp", hoặc "vạch ranh giới" với những mục tiêu trong cuộc sống. Knight nhận thấy cụm từ này phổ biến trên TikTok, nhưng không có nghĩa quiet quitting là xu hướng mới.
Knight đã xem xét một số dữ liệu từ cuộc khảo sát của Gallup, trong đó 60% nhân viên cho biết họ được tách khỏi công việc, 19% nói rằng họ thấy khổ sở. Chỉ 33% nhân viên nói rằng bị "nhập" vào công việc.
"Vì vậy, có thể hiểu rằng 60% nhân viên tách được bản thân khỏi công việc chính là một kiểu quiet quitting: 'Tôi không để công việc chiếm hết tâm trí mình'", Knight nhận xét.
Shana Lebowitz, một millennials, nghi ngờ rằng những kiểu công việc và nhóm nhân viên được chú ý trên mạng xã hội có lẽ là ngoại lệ cực đoan. Một trong số đó vốn theo đuổi "văn hóa hối hả", họ thực sự đầu tư vào công việc, và đó là toàn bộ cuộc sống của họ.
"Cuối cùng, chúng ta nghe được câu chuyện của những người đã hoàn toàn thoát khỏi sự hối hả, họ giải thích cách hoàn thành công việc chỉ trong 20 phút và tự động hóa phần thời gian còn lại trong ngày", Lebowitz nói.
Gen Z bình thường hóa điều cấm kỵ
Rachel DuRose nhận thấy quiet quitting là một thuật ngữ mới, và Gen Z đang dẫn đầu trào lưu. Nhưng cô phải giải thích cho bạn bè cùng lứa biết thế nào là "âm thầm nghỉ việc" bởi họ chưa bao giờ nghe về điều này. Bởi vậy, cô chắc chắn đây không phải là một khái niệm được tạo ra bởi thế hệ mình.
"Thực tế, tôi không nghĩ Gen Z muốn âm thầm nghỉ việc. Ngược lại, thế hệ này muốn được làm việc ở một nơi họ có thể chia sẻ giá trị bản thân hoặc thấy mình làm tốt. Khi chọn im lặng, có thể họ đã không đạt được những mong muốn ấy hoặc thấy tổ chức không có chung giá trị với mình", DuRose bày tỏ.
Theo cô, trong các lĩnh vực đòi hỏi cần có đam mê và không phải chỉ vì tiền, nhân sự thường ít có xu hướng quiet quitting. Những người bạn của cô đang làm ở các vị trí cần được đào tạo chuyên môn cao và không được trả nhiều tiền lại không chọn quiet quitting. Họ đều mới tốt nghiệp đại học và phải làm việc rất chăm chỉ để có được vị trí mà mình mong muốn.
Từ quan điểm của Gen Z, DuRose cho rằng người trẻ sẽ không lên TikTok và đăng một lời chê bai về chuyện ghét công việc cũng như người quản lý của mình đến mức nào, bởi họ biết rằng điều đó sẽ khiến bản thân bị sa thải.
Có lẽ Gen Z không tự mình nghĩ ra ý tưởng này. Có thể họ đã nghe được từ những thế hệ khác, những đồng nghiệp lớn tuổi hơn về trăn trở rằng: "Có bao giờ bạn nghĩ về thực tế làm việc 80 giờ/tuần đến kiệt sức, rồi chán ghét công việc của mình không phải điều tốt đẹp hay chưa?".
Một trong những lý do khiến Gen Z thúc đẩy xu hướng quiet quitting bởi họ là thế hệ sẵn sàng nói về môi trường làm việc - thứ trước đây từng bị coi là chủ đề cấm kỵ. Tôi thấy rằng việc nói "Tôi kiệt sức" hoặc "Tôi không hạnh phúc" đã ít khó nói hơn trước đây.
Theo Knight, đại dịch đã khiến nhiều người kiệt sức (burn out) hơn. Họ chưa bao giờ được nghỉ ngơi, sau đại dịch cũng không, bởi thế "âm thầm nghỉ việc" dường như là lựa chọn duy nhất.
Gen Z được công nhận là người tạo nên xu hướng, khi họ xuất hiện trên mạng xã hội và biến quiet quitting thành thứ thú vị. Đó là một cách giảm sức ép công việc, giảm thiểu vai trò của công việc đối với cuộc sống và khiến người ta suy ngẫm về nó.
Nếu quiet quitting là một xu hướng, nó sẽ được chứng minh thông qua các con số. Có rất nhiều số liệu nghiên cứu nói rằng nhân viên buông thả làm việc kém hiệu quả hơn, điều này thể hiện qua nhóm nhân sự yếu nhất ở các công ty.
DuRose không tin có quá nhiều người chọn quiet quitting. Bởi nếu con số thực sự lớn đến vậy, các công ty đã phải có động thái. Họ cần quyết định để nhân sự của mình ra đi hay tìm cách níu giữ. Đó chắc chắn không phải hành động dễ dàng.