Từ 19/10, nhiều thông tin về việc sản phẩm này bị tạm dừng chỉ sau 5 chuyến bay thử nghiệm được chia sẻ trên mạng xã hội. Thực tế, sản phẩm này vẫn nhận được sự quan tâm lớn và đang tìm đầu ra để đưa vào khai thác trở lại.
Chưa chính thức sao ngừng được?
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing Công ty Du lịch TST, cho biết nói ngừng tour trực thăng là sai. Trong đợt bay thử hồi cuối tháng 4, 5 chuyến bay đều mang tính chất thử nghiệm. Sản phẩm này chưa bao giờ mang tính chất chính thức nên không thể nói là bị ngừng.
Theo ông Mẫn, TP.HCM mong muốn chính thức triển khai sản phẩm này nhưng hiện vẫn còn tồn đọng một số vấn đề, đặc biệt là bãi đáp. Trước đó, 2 bãi đáp được sử dụng là sân bay Tân Sơn Nhất và sân Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, cả 2 đều đang có những vấn đề riêng nên khó được sử dụng làm bãi đáp chính thức.
"Theo tôi được biết, có kế hoạch sử dụng một địa điểm ở quận 7 làm bãi đáp cho trực thăng. Trên góc độ doanh nghiệp du lịch, chúng tôi có trách nhiệm xây dựng sản phẩm, tổ chức bay và đánh giá nhu cầu của khách. Tuy nhiên, việc triển khai chính thức còn phụ thuộc vào phía chính quyền", ông Mẫn nói.
Ngoài ra, đại diện TST cũng chia sẻ không hề nhận cọc trước của bất kỳ hành khách nào. Do đó, việc tour trực thăng này chưa triển khai được cũng không ảnh hưởng đến du khách. T., đại diện một đơn vị lữ hành khác khai thác tour trong thời gian thử nghiệm, cũng xác nhận tương tự. Theo họ, chỉ khi có thông báo khai thác chính thức, họ mới nhận cọc.
Tranh cãi mức giá
Chia sẻ với Zing, T. cho biết phản hồi của khách hàng trong lần bay thử nghiệm khá tích cực. Tuy nhiên, du khách cho rằng giá tour đang hơi cao so với thời gian bay chỉ khoảng 40 phút. Cụ thể, trong đợt bay thử nghiệm, giá ưu đãi được đưa ra là 4,08 triệu đồng/khách.
"Nếu muốn đưa vào bán đại trà, tôi nghĩ mức giá cần tốt hơn. Thời gian chuyến bay khá ngắn, khách muốn lâu hơn và trải nghiệm cần phong phú hơn nữa. Tuy nhiên, nếu thời gian bay dài hơn, giá chắc chắn cao lên. Nhìn chung, vẫn có khách hỏi thăm nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra được đầu ra. Lúc này, công ty đang tập trung cho sản phẩm Tết hơn", T. nói.
Về nhận xét giá cao so với trải nghiệm, ông Mẫn nói khách hàng của mình có phản hồi trái ngược. Theo đại diện TST, với trải nghiệm tương tự ở nhiều nước, du khách phải tốn tới 1.000 USD cho 15 phút bay. Trong khi đó, sản phẩm tour trực thăng này sử dụng máy bay hiện đại, thời gian dài nên mức giá như đợt thử nghiệm không đắt.
"Bay tận 40 phút với giá đó, tôi cũng không biết ở đâu có", ông Mẫn nói.
Trao đổi với Zing, đại diện TST đặt kỳ vọng lớn vào sự thành công của tour trực thăng ngắm TP.HCM sau khi những vấn đề liên quan được giải quyết.
Lý do cho sự kỳ vọng này là lượng khách quan tâm thực sự đông, kể cả khách trong nước lẫn quốc tế. Trong đợt bay thử nghiệm, TST đã lấp đầy cả 3 chuyến bay trong ngày đầu tiên (29/4) chỉ sau 9 ngày - tính từ lúc chuẩn bị, công bố và bán sản phẩm. Đây là thời gian rất ngắn cho một sản phẩm mới, chứng tỏ sức hấp dẫn của tour trực thăng ngắm TP.HCM.
"Nhóm khách từ 25 tuổi đến 55 tuổi sẽ là đối tượng hướng đến chính của tour này. Sản phẩm tour trực thăm ngắm TP.HCM hứa hẹn thu hút cả khách lẻ lẫn khách gia đình, đoàn charter...", ông Mẫn nói thêm.
Theo công ty trực thăng miền Nam, hai loại trực thăng đưa vào khai thác du lịch tại TP.HCM là AW-189 (sản xuất tại Italy, chở tối đa 16 khách) và EC-155B1 (nhập khẩu từ Pháp, chở tối đa 12 khách).
Sở Du lịch TP.HCM cho biết tour "ngắm nhìn TP.HCM từ trên cao" là bước đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mới mà ngành du lịch thành phố đang triển khai xây dựng để thu hút khách du lịch, đón đầu thị trường khách quốc tế khi mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới.