Ngày 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tại Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tổ chức thực hiện quy hoạch là vấn đề quan trọng.
Bộ trưởng cho rằng việc lập ra, vẽ ra quy hoạch đã khó nhưng chưa khó bằng chúng ta giữ được và thực hiện quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn.
"Bây giờ làm một dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, chúng ta mất từ 12-15 năm. Chúng ta còn 14 tuyến đường sắt mà không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì đến bao giờ mới xong", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt câu hỏi.
Về việc huy động nguồn lực, Bộ trưởng cho biết hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội hiện cần khoảng 40 tỷ USD mà cần huy động và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm.
Vậy cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để có thể làm được điều này? Bởi nếu không thì quy hoạch chỉ là định hướng về tương lai và là kỳ vọng chúng ta mong muốn, chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được.
Đây là vấn đề lớn, vấn đề khó, chắc chắn sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại, Thủ tướng phê duyệt, Bộ trưởng cho rằng Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch một cách khả thi nhất. Trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn thế nào, tổ chức triển khai thế nào, thứ tự, danh mục dự án thế nào, thứ tự ưu tiên ra sao.
"Rất nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện mới có được một bức tranh, mới có được Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn ngày hôm nay", ông Dũng nêu rõ.
Trước đó, tại phiên thảo luận, một trong ba vấn đề trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch được đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nêu rõ tại phiên thảo luận đó là Hà Nội phải tập trung giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô hiện nay là vấn đề giao thông ùn tắc.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao trọng tâm đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, để hình thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân. Khi đó, chúng ta sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân và giải quyết những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay.
Cũng theo đại biểu, khi mạng lưới đường sắt phát triển sẽ kết nối với các vùng ngoại thành, tự động giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô và phát triển những vùng đô thị mới, đặc biệt khi hệ thống đường sắt còn kết nối với các tỉnh như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.
Như vậy, mạng lưới đường sắt sẽ biến các tỉnh thành, các đô thị gần trở thành những đô thị vệ tinh và tạo ra kết nối để phát triển.
"Hà Nội phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành khu thương mại dịch vụ, biến nơi đây trở thành những khu phố ngầm, còn trên mặt đất trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng. Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại, chứ không thể tồn tại như những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội hiện nay".
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
Hơn nữa, khi có được một hệ thống đường sắt như vậy, tự động những vấn đề đang rất bức xúc tại khu vực đô thị hiện nay như: khu chung cư cũ, những khu nhà dân ở thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn, có thể được giải quyết.
"Với sự phát triển các ga đường sắt, tại điểm đó hoàn toàn có thể xây dựng những mô hình đô thị hiện đại bằng cách có thể dồn lại hàng chục nhà thấp tầng, những chung cư cũ và chỉ cần xây dựng 2-3 nhà cao tầng mới", ông Cường gợi ý.
Đại biểu cho rằng việc chỉnh trang đô thị không cần tốn tiền, bởi khi có hệ thống đường sắt đô thị, tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra và giúp cải tạo các đô thị.
Các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm tại Hà Nội như phát triển liên kết vùng, phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) cũng được nhiều ý kiến đề cập.
Đây là điểm mới và các đại biểu đề nghị tập trung trong thực hiện quy hoạch đợt này để cải tạo, tái thiết đô thị, tập trung xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, khai thác hạ tầng giao thông công cộng.
Cùng với đó, việc phát triển giao thông công cộng, phát triển cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam, phát triển vị trí hai bên sông Hồng như biểu tượng phát triển thủ đô, áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”... cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại” xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước...
Đồ án đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông. Thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc. Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Đầu tư, khai thác không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm phục vụ các tuyến đường sắt đi ngầm từ vành đai 3,5, kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ...