Phiên chiều nay một lần nữa chứng tỏ hiệu ứng T+2 chỉ xấu nếu thị trường xấu. Không phải lúc nào cổ phiếu về tài khoản cũng bị bán tống bán tháo đi. Lực bán trong phiên chiều khá thấp, nên cầu được lợi thế, đẩy giá tăng mạnh hơn. VN-Index kết phiên tăng 26,12 điểm tương đương 2,42%, với 34 mã kịch trần.
Từ khi áp dụng T+2, thị trường sụt giảm liên tục và hầu hết các phiên đều xuất hiện lực bán tăng thêm trong buổi chiều, sau khi cổ phiếu về tài khoản trong giờ nghỉ. Tuy nhiên khi cổ phiếu về tài khoản thì tiền bán cũng về tài khoản, do đó nếu người có tiền sẵn sàng mua thì lượng cổ phiếu mới về đó không phải là vấn đề. Nói cách khác, hiệu ứng T+2 chỉ xuất hiện và gây tác động xấu khi thị trường trong xu thế giảm, hiệu ứng này phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý nhà đầu tư.
Phiên chiều nay là một ví dụ. Lượng hàng bắt đáy hôm đầu tuần khá nhiều mã đạt lợi nhuận tốt, nhất là nếu bắt được quanh mức thấp nhất trong đợt bán tháo. Khối lượng khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm đó khoảng 562 triệu cổ. Hôm nay giao dịch cả ngày chỉ đạt 445,8 triệu cổ. Đặc biệt lần đầu tiên kể từ khi có T+2, thanh khoản chiều nay thấp hơn phiên sáng gần 3%, chỉ đạt 4.372 tỷ đồng hai sàn. Riêng HoSE chỉ đạt 3.953 tỷ đồng.
Như vậy nhà đầu tư đã không bán ra nhiều trong buổi chiều, và đó là tín hiệu tốt khi sự lo lắng sợ hãi như các phiên trước giảm đi. Giá cổ phiếu có sự hỗ trợ tốt từ phía cung, đã tiếp tục tăng cao hơn. Thống kê tại HoSE thì chiều nay có tới 232 cổ phiếu tăng giá so với thời điểm cuối phiên sáng. VN-Index chốt phiên tăng 2,42% trong khi cuối phiên sáng mới tăng 1,8%. VN30-Index kết phiên tăng 1,79%, cuối phiên sáng tăng 1,7%, Midcap chốt tăng 3,74% (cuối phiên sáng tăng 2,55%), Smallcap chốt tăng 3,44% (cuối phiên sáng tăng 2,16%).
Rổ VN30 tăng kém nhất nếu tính riêng phiên chiều, do ảnh hưởng của yếu tố trụ. So với giá cuối phiên sáng, rổ này cũng có 16 mã tăng cao hơn và 10 mã tụt giá. Trong số mã tụt giá, có vài trụ ảnh hưởng trực tiếp lên VN30-Index như TCB, VIB, MSN, HDB, GAS, FPT và ACB. Tuy vậy cũng cần nhấn mạnh là cả rổ chỉ duy nhất ACB là đóng cửa dưới tham chiếu. Mã này chịu sức ép khá mạnh về cuối phiên, nhất là đợt ATC với gần 518 ngàn cổ tung ra bán, giá tụt về 20.800 đồng, giảm 0,95% so với tham chiếu.
Các trụ vẫn tăng giá tích cực, đảm bảo chỉ số duy trì độ cao.
VN-Index kết phiên ghi nhận 34 cổ phiếu đóng cửa ở mức kịch trần (so với 9 mã cuối phiên sáng), ngoài ra còn 164 cổ phiếu khác tăng từ 2% trở lên (so với 158 mã cuối phiên sáng). Số liệu này cho thấy mặt bằng giá được nâng lên rất tốt, dù thanh khoản HoSE thuộc loại tệ nhất trong vòng 3 tháng qua, lần đầu tiên tụt xuống dưới ngưỡng 4.000 tỷ đồng.
Với mức thanh khoản thấp, giá tăng cao hơn, thị trường đang được nâng lên với hiện tượng tiết cung. Về trụ, VIC và VHM tăng mạnh đột biến trong buổi chiều: VIC tăng thêm 3,63% so với cuối phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 5,26%. VHM tăng thêm 2,48%, chốt phiên tăng 6,32%. Chỉ riêng hai trụ này đã đảm bảo cho VN-Index lên cao hơn, chưa kể tới HPG, GVR, PLX cũng tăng thêm hơn 1% so với buổi sáng.
Với đà tăng giá ào ạt, hầu như tất cả các nhóm ngành đều tăng cực mạnh. Tuy vậy trong số tăng kịch trần, không có tính nhóm ngành rõ rệt mà chỉ có các đại diện tiêu biểu, như PVD, CII, NT2, LDG, HDC, DXG, VGC, VCI, DGW, EIB là đạt thanh khoản khá tốt. Có thể thấy các mã này rải đều khắp các nhóm ngành quan trọng như tài chính, xây dựng hạ tầng, bất động sản, dầu khí hóa chất...
Khối ngoại chiều nay giải ngân mua thêm gần 765 tỷ đồng nữa trên HoSE, nâng tổng mức mua cả ngày lên 1.238.4 tỷ đồng. Bán ra đạt 1.0123 tỷ đồng, tương đương mua ròng 225,5 tỷ đồng. HPG vẫn bị bán lớn nhất với -140,7 tỷ đồng, STB -51,4 tỷ. Phía mua ròng có VHM +75,3 tỷ, CTG +52,8 tỷ, VIC +52,2 tỷ.